Điểm báo 20/11: Động lực cống hiến - Đột phá cho phát triển đội ngũ nhà giáo

Động lực cống hiến: Đột phá cho phát triển đội ngũ nhà giáo; Trị 'bệnh' lãng phí - cần chế tài mạnh!; Gỡ điểm nghẽn thể chế thúc đẩy phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng, bất động sản; Bất động sản vẫn phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng; Sàn thương mại điện tử có thể phải nộp thuế thay người bán từ đầu 2025;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo 20/11.

ĐỘNG LỰC CỐNG HIẾN: ĐỘT PHÁ CHO PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO

Theo đại biểu Quốc hội, chuyên gia, chính sách với nhà giáo đang có tín hiệu thể hiện rõ sứ mệnh của Giáo dục; trong đó có dự thảo Luật Nhà giáo. Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại Theo dự thảo Luật Nhà giáo, những vấn đề về vị trí, vai trò, vị thế, quyền hạn và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định tường minh. Qua đó, làm rõ hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp khác biệt so với các nghề khác. “Xây dựng chính sách phù hợp sẽ giúp nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”

Nhìn từ thực tiễn những năm qua cho thấy, đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển ở các cấp còn tồn tại nhiều bất cập, cho nên cần thiết phải có một luật riêng để giải quyết. Các quy định cụ thể để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo được ban hành nhiều, song chưa bảo đảm được tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, vẫn có tình trạng chồng chéo, khó áp dụng trong thực tiễn.

TRỊ “BỆNH” LÃNG PHÍ - CẦN CHẾ TÀI MẠNH!

Rất nhiều khu đất là các dự án, khu biệt thự, nhà tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm, việc tổ chức khai trương, khánh thành, lễ kỷ niệm gây lãng phí lớn ngân sách vẫn diễn ra... Đây là một trong những nội dung được nêu trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa 15.

Theo bài viết trên báo Đại biểu nhân dân, Thực tế cho thấy, lãng phí dường như xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là sự lãng phí về tài nguyên của đất nước khi buông lỏng quản lý đối với tài sản công. Không ít dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Cũng theo bài viết, tham nhũng và lãng phí từng được ví là “hai anh em sinh đôi”. Trong khi công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, Nhân dân cũng mong rằng, công cuộc phòng, chống lãng phí cũng sẽ được triển khai quyết liệt hơn nữa trên thực tế.

GỠ ĐIỂM NGHẼN THỂ CHẾ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG, BẤT ĐỘNG SẢN

Theo các doanh nghiệp, dù thể chế đang ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều quy định của pháp luật và thủ tục hành chính đang là điểm nghẽn, kìm hãm phát triển. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.

Thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản và của doanh nghiệp là những "dự án treo" chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm thì ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi kiến nghị cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cần có phương thức điều tiết thị trường (kể cả khúc nhà ở), quản lý, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất; giám sát và xử lý nghiêm vi phạm lực lượng môi giới bất động sản.

BẤT ĐỘNG SẢN VẪN PHỤ THUỘC QUÁ NHIỀU VÀO VỐN NGÂN HÀNG

Chia sẻ về thực trạng về vốn, theo báo Kinh tế và đô thị nêu rõ thị trường bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, khiến việc giảm lãi suất gặp nhiều giới hạn. Có ý kiến chuyên gia đề xuất, Chính phủ có thể cân nhắc tìm kiếm thêm nguồn vốn từ nước ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế để giảm bớt áp lực tài chính. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để hạ giá nhà là phải tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở xã hội, qua đó cân bằng thị trường và hỗ trợ người dân mua nhà với giá hợp lý hơn.

SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CÓ THỂ PHẢI NỘP THUẾ THAY NGƯỜI BÁN TỪ ĐẦU 2025

Từ 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số dự kiến phải khai, nộp thuế thay người bán trên các nền tảng này, theo dự thảo sửa đổi một số điều Luật Quản lý thuế. Thông tin đáng chú ý trên báo điện tử Vnxpress.

Theo quy định hiện hành, người bán trên sàn thương mại điện tử phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề xuất từ 1/1/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số đã khấu trừ cho người bán (hộ, cá nhân kinh doanh) trên sàn. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Các nhà cung cấp các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số cũng phải đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-20-11-dong-luc-cong-hien-dot-pha-cho-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-243574.htm