Điểm báo 21/7: Chính sách, môi trường làm việc phải đúng tầm

Chính sách, môi trường làm việc phải đúng tầm; Ngành nước giải khát trước áp lực đánh thuế tiêu thụ đặc biệt; Cam go cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái; Lo xung đột thương mại nếu tiếp tục giảm phí trước bạ… là những tin có trong điểm báo sáng nay 21/7.

CHÍNH SÁCH, MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC PHẢI ĐÚNG TẦM

Chủ trương của Đảng và Nhà nước đều xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm xuyên suốt của ngành giáo dục. Trên báo Đại biểu nhân dân có bài viết: Chính sách, môi trường làm việc phải đúng tầm.

Theo báo Đại biểu nhân dân, theo phản ánh từ những giáo viên, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Chính sách chưa thực sự đủ hấp dẫn để thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm, đó cũng là lý do có những địa phương thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Đó không chỉ là tâm tư, là nỗi niềm của không ít thầy, cô giáo mà còn là trăn trở của những người làm chính sách, khi chính sách chưa thật sự bảo đảm để giáo viên toàn tâm, toàn ý cống hiến với nghề.

NGÀNH NƯỚC GIẢI KHÁT TRƯỚC ÁP LỰC ĐÁNH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đối tượng, ngành hàng, bởi một khi chính sách được thông qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh cũng như sinh kế của hàng triệu lao động.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, ngành nước giải khát có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị. Do đó, khi ngành nước giải khát bị ảnh hưởng sẽ tác động gián tiếp tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp và sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Trước đề xuất bổ sung nước giải khát vào danh mục đối tượng chịu thuế của Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát cho rằng, hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng. Trong khi đó, việc áp thuế sẽ gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế

CAM GO CUỘC CHIẾN CHỐNG HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI

Theo cơ quan chức năng, hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vụ việc do lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện thời gian qua có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

Theo báo Đại đoàn kết, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại đầu tiên chính là đối với người tiêu dùng. Bởi khi sử dụng các sản phẩm bị làm giả, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn. Trong khi đó cũng phải thừa nhận, kiến thức phân biệt hàng thật, hàng giả của người tiêu dùng còn ít, và nếu va phải hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng cũng ngại động chạm đến việc tố cáo, tố giác. Cũng theo bài viết, chủng loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ hàng thời trang, tiêu dùng, mỹ phẩm... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại... lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả; thậm chí tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền và kiện ngược lại cơ quan chức năng khi bị xử lý... là những vi phạm kiểu mới đang được các đối tượng thực hiện.

LO XUNG ĐỘT THƯƠNG MẠI NẾU TIẾP TỤC GIẢM PHÍ TRƯỚC BẠ

Giới chuyên gia cho rằng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu tiếp tục áp dụng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và không loại trừ nguy cơ xung đột thương mại. Trên báo Lao Động có bài viết về vấn đề này.

Nhìn sâu hơn ở khía cạnh thị trường, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đặt ra nghi vấn, việc giảm lệ phí để kích cầu có thực sự kích thích tiêu dùng? Chọn lựa của khách hàng có phải xuất phát từ giá cả không, hay ở hành vi của người tiêu dùng. Tức là nếu chỉ giảm giá thì thực tế lại không phải là cách để kích cầu, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Đặc biệt, về dài hạn, vị chuyên gia kinh tế nêu thêm lo ngại về mâu thuẫn giữa hai vế, một bên là kích cầu cho xe xăng và một bên là nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0 của Việt Nam. Ông đánh giá, chính sách giảm lệ phí trước bạ hiện tại chỉ mang tính “cục bộ”, hoàn toàn không có lợi ích cho toàn cục diện.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-21-7-chinh-sach-moi-truong-lam-viec-phai-dung-tam-229593.htm