Điểm báo 22/10: Cải cách tiền lương phải đảm bảo thu nhập phù hợp

Cải cách tiền lương phải đảm bảo thu nhập phù hợp, không cào bằng; Bất cập khiến nhà ở xã hội vừa thiếu, vừa ế; EC đánh giá cao nỗ lực chuyển biến nghề cá có trách nhiệm của Việt Nam; Vì sao lao động trẻ hay rút bảo hiểm xã hội một lần?; Cho học sinh trung học nghỉ thứ 7: Cần căn cứ vào thực tế;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 22/10:

CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG PHẢI ĐẢM BẢO THU NHẬP PHÙ HỢP, KHÔNG CÀO BẰNG

Dự kiến sau năm 2024, mỗi năm, mức tiền lương sẽ tăng 5-7%. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; cần tránh có nơi thu nhập cao, nơi thu nhập thấp nhưng nhiệm vụ lại thực hiện như nhau.

Chia sẻ trên báo Lao Động, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh, Tiền lương tạo ra “đòn bẩy” để kích thích, để cho người lao động phấn đấu, quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh, thanh danh của đơn vị mà người ta cống hiến. Tuy nhiên, nếu muốn tăng lương thì phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự. Muốn giải quyết được bài toán nhân sự thì cần phải cân đối quỹ tiền lương. Ngoài ra, bản thân các cơ quan, đơn vị, cũng phải có chiến lược về nhân sự, vị trí việc làm, từ đó đào tạo, bồi dưỡng và biết trọng dụng các nhân tài, đặc biệt là các nhân tài xuất sắc, phải biết “chiêu hiền đãi sĩ”.

BẤT CẬP KHIẾN NHÀ Ở XÃ HỘI VỪA THIẾU, VỪA Ế

Bất cập khiến nhà ở xã hội vừa thiếu, vừa ế, bài viết trên báo Tiền phong phản ánh tại các khu vực có dự án nhà ở xã hội được mở bán, nhiều dự án ghi nhận lượng quan tâm, gửi hồ sơ lớn trong khi một số địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp với hàng trăm nghìn lao động nhập cư ghi nhận tình trạng “ế ẩm" dù chào bán nhiều lần.

Hồi tháng 8 vừa qua, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết dù triển khai đầu tư xây dựng hàng chục ngàn căn nhà ở công nhân, nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà. Theo đó, Trong số 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít. Báo cáo nêu rõ, các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng hiện 7 dự án vẫn còn tồn 1.324 căn nhà.

EC ĐÁNH GIÁ CAO NỖ LỰC CHUYỂN BIẾN NGHỀ CÁ CÓ TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆT NAM

Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao nỗ lực chuyển biến nghề cá có trách nhiệm của Việt Nam. Thông tin đáng chú ý trên báo điện tử VOV.

Thanh tra thực tế lần thứ tư, Đoàn thanh tra của EC đã làm việc tại 2 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Định. Đoàn đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương của Việt Nam. Đồng thời đồng tình với quan điểm, việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến nghị Việt Nam phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.

VÌ SAO LAO ĐỘNG TRẺ HAY RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN?

Liên quan đến vấn đề vì sao lao động trẻ hay rút bảo hiểm xã hội một lần, trên báo điện tử Vnxpress có bài viết về nội dung này.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chia theo độ tuổi, nhóm rút đông nhất tập trung từ 30-40 tuổi với hơn 40%. Tỷ lệ này ở nhóm 20-30 tuổi đứng thứ hai với trên 37%. Cơ quan này đánh giá việc hưởng BHXH một lần sớm có thể tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân ở giai đoạn tuổi trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là hưởng lương hưu khi già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc. Ngoài ra, một số lao động trẻ thiếu kiến thức an sinh xã hội, mơ hồ về chính sách nên dễ bị tác động.

CHO HỌC SINH TRUNG HỌC NGHỈ THỨ 7: CẦN CĂN CỨ VÀO THỰC TẾ

Những ngày qua, nhiều ý kiến đề xuất cho phép học sinh cấp THCS, THPT được nghỉ học thứ 7 đã thu hút sự quan tâm của dư luận...Trên báo Giáo dục và thời đại có bài viết: Cho học sinh trung học nghỉ thứ 7: cần căn cứ vào thực tế.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ, Để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT quy định tổng số tiết dạy/tuần để nhà trường thực hiện. Nếu co lại thời khóa biểu để học sinh nghỉ thứ 7, giáo viên các bộ môn phải tính toán và cơ cấu lại thời lượng, tiết dạy mỗi môn. Vị chuyên gia này ủng hộ phương án cho học sinh THPT học ngày thứ 7, đồng thời cho rằng các em cần được phát triển kỹ năng vốn có của mình.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-22-10-cai-cach-tien-luong-phai-dam-bao-thu-nhap-phu-hop-194662.htm