Điểm báo 22/5: Cấp bách giảm lãi suất, giãn hoãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp
Cấp bách giảm lãi suất, giãn hoãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng học phí thận trọng để tránh sốc; Hà Nội lập đề án quản lý vỉa hè đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân; Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả: giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng...là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng nay 22/5.
CẤP BÁCH GIẢM LÃI SUẤT, GIÃN HOÃN NỢ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, tình trạng khó vay vốn, mất nhiều thời gian giải ngân, lãi suất cao đang khiến nhiều doanh nghiệp ngày càng chật vật hơn trong việc tìm kiếm dòng tiền khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.
Trong 4 tháng qua, đã có hơn 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân mỗi tháng, có gần 20.000 doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh. Các vấn đề về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng cho nền kinh tế cũng đang khiến doanh nghiệp càng trở nên kiệt quệ hơn sau nhiều năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp. Lãi suất đã giảm khoảng 0,5-1% nhưng vẫn còn khá cao. Hiện nay, nếu doanh nghiệp vay ngắn hạn cũng khoảng 9-10%, dài hạn vẫn ở mức 11%. Mức lãi suất này vẫn rất cao với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
TĂNG HỌC PHÍ THẬN TRỌNG ĐỂ TRÁNH SỐC
Một số địa phương đang trong quá trình xây dựng dự thảo để trình HĐND tỉnh, thành phố thông qua nghị quyết về mức thu học phí... Trên báo Giáo dục và Thời đại có bài viết phản ánh vấn đề này.
Theo quy định Nghị định 81, mức cao nhất khu vực thành thị là 650.000 đồng, nông thôn 330.000 và miền núi 220.000 đồng/tháng. Riêng học sinh tiểu học công lập không phải đóng học phí, nhưng quy định các mức thu 300.000 - 100.000 - 50.000 để làm căn cứ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, thực hiện chính sách miễn giảm học phí theo quy định cho học sinh tiểu học tư thục. Nhiều địa phương đề xuất chọn mức thu học phí mới theo mức thấp nhất của nghị định này. Tuy nhiên, để thực hiện thu học phí theo đúng Nghị định 81 và phù hợp với thực tế của địa phương, sẽ tăng học phí theo đúng lộ trình nhưng giữ nguyên mức thu.
HÀ NỘI LẬP ĐỀ ÁN QUẢN LÝ VỈA HÈ ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI SINH KẾ CỦA NGƯỜI DÂN
UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường.
Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng lập đề án quản lý vỉa hè phải đảm bảo bài bản, toàn diện, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của người dân. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn vào tháng 6/2023; hoàn thành đề án vào quý IV.
SỬ DỤNG ĐIỆN TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ: GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CUNG ỨNG ĐIỆN MÙA NẮNG NÓNG
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm nay, các hồ chứa lớn trên phạm vi cả nước đều thấp hơn từ 15-40% so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng ở các hồ thủy điện đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng điện.
Theo bài viết trên báo điện tử VOV, đến thời điểm này, đã có 18 trong tổng số 47 hồ thủy điện lớn ở mực nước chết hoặc sát mực nước chết; 20 hồ thủy điện lớn, dung tích nước chỉ dưới 20%. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc vận hành hệ thống điện trong tháng 5, 6 và 7/2023 hết sức khó khăn, nguy cơ thiếu khoảng 5.000 MW công suất nguồn điện của miền Bắc ngay trong cao điểm mùa hè này. Cũng theo bài viết, để cung ứng điện liên tục, ổn định trong những ngày nắng nóng, ngành điện đề nghị người dân cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam