Điểm báo 25/8: Nỗ lực bình ổn giá hàng hóa
Nỗ lực bình ổn giá hàng hóa; Phía sau sự bùng nổ của du lịch; Hà Nội tính việc kiểm định khí thải xe máy; Sinh viên quốc tế học tập tại Việt Nam: Dòng chảy đã được khơi thông ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 25/8/2022.
NỖ LỰC BÌNH ỔN GIÁ HÀNG HÓA
Các ngành chức năng, hệ thống phân phối, bán lẻ đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp nhằm giảm giá hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Thông tin được đăng tải trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 25/8.
Hiện tại, hầu hết siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, thực phẩm khô. Mặc dù hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua ở trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa là không dễ dàng. Đề cập về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
PHÍA SAU SỰ BÙNG NỔ CỦA DU LỊCH
Thời gian qua, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, điều đó được thể hiện bằng những con số hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, cũng chính trên đà tăng trưởng nóng đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy việc tập trung tìm ra những “nút thắt” để tháo gỡ đang là vấn đề được quan tâm.
Theo bài viết đăng tải trên báo Đại đoàn kết, thời điểm hiện tại, du lịch nội địa đang là cứu cánh giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Các doanh nghiệp lữ hành chuyên khách nội địa đều hoạt động gần như hết công suất. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường du lịch nội địa đã xuất hiện nỗi lo về chất lượng khi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, nguồn nhân lực bị ảnh hưởng sau đại dịch... Để có hướng phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng du lịch được xác định là ngành kinh tế xanh, phát triển bền vững. Do đó, đối với các địa phương đang là điểm “hot” của du lịch phải cân nhắc về việc đánh giá công suất điểm đến, có những biện pháp cảnh báo kịp thời cho du khách. Đồng thời, phải tính toán đến việc hoàn thiện hạ tầng du lịch, đảm bảo công suất tối đa phục vụ khách.
HÀ NỘI TÍNH VIỆC KIỂM ĐỊNH KHÍ THẢI XE MÁY
Trước thực trạng các phương tiện xe cũ thải ra môi trường các lượng khí độc cao gấp nhiều lần so với các loại xe được bảo dưỡng định kỳ., Sở GTVT Hà Nội đề xuất lộ trình, năm 2023, thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí, hạn chế xe máy.
Tờ Nông thôn ngày nay dẫn phân tích từ cơ quan chuyên môn cho biết, một chiếc xe máy hoạt động sẽ thải ra 80 - 90% khí CO và khí NO 50% lượng Nox (Nitrogen oxide) trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây hại trực tiếp tới sức khỏe nhân dân. Dự kiến, giai đoạn 2024 - 2025, Hà Nội thí điểm kiểm định khí thải xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên, với tần suất một lần/năm, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Phạm vi kiểm soát là địa bàn toàn thành phố và bắt đầu áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.
SINH VIÊN QUỐC TẾ HỌC TẬP TẠI VIỆT NAM: DÒNG CHẢY ĐÃ ĐƯỢC KHƠI THÔNG
Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, dòng chảy du học sinh quốc tế đến Việt Nam gia tăng đáng kể. Ngoài kinh phí, dòng chảy này đang mang đến cho các trường đại học tại Việt Nam nhiều động lực để phát triển. Tờ Giáo dục và Thời đại có bài viết về vấn đề này.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, trung bình hàng năm có 4.000 - 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch Covid-19, số du học sinh nước ngoài đến Việt Nam gia tăng nhanh chóng so với con số khoảng 3.000 - 3.200 du học sinh trong năm 2020. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, qua đó, tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút du học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam nhằm gia tăng thêm nguồn lực cho các trường.
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-258-no-luc-binh-on-gia-hang-hoa