Điểm báo 6/8: Khả năng điều tiết tiêu dùng rượu, bia thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt

'Khả năng điều tiết tiêu dùng rượu, bia thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt; Bịt kẽ hở thành lập công ty 'ma'; Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn; Vay nợ vàng, đứng ngồi không yên vì không mua được vàng trả nợ;...' là những tin tức nổi bật có trong Điểm báo ngày 6/8.

KHẢ NĂNG ĐIỀU TIẾT TIÊU DÙNG RƯỢU, BIA THÔNG QUA THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Khi thiết kế quy định đối với đồ uống có cồn tại dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ để đảm bảo lượng tiêu thụ rượu, bia sẻ giảm như kỳ vọng; tránh nguy cơ biến tướng trong hành vi tiêu dùng, sản xuất và thương mại... Bài viết trên báo Vneconomy.

Tăng thuế sẽ giúp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, theo lý thuyết đường cong Laffer, thuế tăng ở mức hợp lý đi kèm theo các công cụ quản lý phù hợp thì tăng được thu, tăng ngân sách; nhưng nếu như tăng thuế quá cao thì sẽ làm thất thu ngân sách khi người dân trốn thuế, nợ thuế. Bên cạnh đó, người dân chuyển tiêu dùng từ sản phẩm chính thức được đánh thuế, sang sản phẩm không chính thức không thể quản lý được thuế. Điều đó cũng khiến cho các doanh nghiệp sản xuất chính thức khó khăn hơn. Theo quy định hiện hành về Thuế Tiêu thụ đặc biệt, rượu từ 20 độ trở lên: thuế suất 65%; rượu dưới 20 độ: thuế suất 35%; bia: thuế suất 65%. Trong khi đó, độ cồn phổ biến của các sản phẩm bia sản xuất trong nước hiện nay là 4 - 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường cũng ở mức 0,05 – 1,2%. Các sản phẩm bia thủ công có thể có 12% cồn nhưng lại đang có khoảng trống trong quản lý thuế ở nhóm này...

BỊT KẼ HỞ THÀNH LẬP CÔNG TY “MA”

Quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp hiện đang rất thông thoáng theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Lợi dụng việc này đã có những đối tượng đăng ký thành lập công ty để phục vụ các mục đích trái pháp luật.

Hiện nay, nhan nhản các công ty "ma" mượn các nhà dân cho gắn địa chỉ giao dịch của công ty, thực chất nhà dân cho gắn lại không có hoạt động sản xuất gì, Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” này được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đáo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công... Một trong những đề xuất được đưa ra là mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động. Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong đó chú ý đến việc liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận, bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh.

ĐỀ XUẤT GIẢM TIỀN PHẠT VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Theo tờ báo, việc đã cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông (tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) mức độ xử phạt nên có sự phân biệt. Nồng độ cao thì vẫn phạt cao, còn nồng độ thấp thì nên phạt thấp để người dân không cảm thấy căng thẳng. Khi đã đưa nồng độ cồn bằng 0 thì cần phân biệt trong các mức xử phạt. Rượu, bia uống từ hôm trước nhưng hôm sau chắc chắn nồng độ sẽ thấp hơn thì về nguyên tắc xử phạt sẽ phải thấp đi. Đôi khi không phải cứ biện pháp mạnh và nặng đã là hay. Theo các chuyên gia, mức phạt cao quá là không phù hợp với hoàn cảnh thực tế xã hội hiện nay. Dẫn đến hệ quả người sử dụng xe máy giá trị thấp sẵn sàng bỏ xe khi tiền phạt cao hơn giá trị của chiếc xe. Hiện các bãi trông giữ xe vi phạm đang quá tải, không xử lý giải quyết được sẽ gây lãng phí cho xã hội.

VAY NỢ VÀNG, ĐỨNG NGỒI KHÔNG YÊN VÌ KHÔNG MUA ĐƯỢC VÀNG TRẢ NỢ

Giá vàng đứng yên trong thời gian dài nhưng người dân khó mua được vàng miếng. Nhiều khách hàng than trời khi không thể mua được vàng miếng để trả món nợ cách đây nhiều năm.

Khảo sát thị trường cho thấy, dù giá vàng SJC đứng im trong thời gian dài, người dân vẫn khó mua được vàng miếng, đặc biệt khi mua vài lượng trở lên. Tại một số điểm giao dịch vàng bên ngoài có hiện tượng người dân tự trao đổi mua bán, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau khi 4 Ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC bán vàng trực tiếp cho dân, các đơn vị này đã bán hàng trăm nghìn lượng vàng. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn rất lớn. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, khi chưa bỏ được độc quyền vàng SJC và chưa cho nhập vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cho các đơn vị kinh doanh vàng được nhập vàng nguyên liệu để làm vàng trang sức. Giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào nguồn cung của thị trường và đây mới là phương án tốt hơn cho thị trường về lâu dài.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-6-8-kha-nang-dieu-tiet-tieu-dung-ruou-bia-thong-qua-thue-tieu-thu-dac-biet-231317.htm