Điểm báo 7/12: Thành phố Hồ chí minh dự kiến có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội 5 năm tới
Thành phố Hồ chí minh dự kiến có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội 5 năm tới; Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần cách tiếp cận mới; Trái phiếu doanh nghiệp: Thêm gam màu mới, vẫn nỗi lo cũ; Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu thủy sản;... là những tin tức đáng chú ý có trong điểm báo sáng 7/12.
TP. HỒ CHÍ MINH DỰ KIẾN CÓ THÊM 70.000 CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI 5 NĂM TỚI
Các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cam kết từ nay đến 2030 sẽ xây hơn 52.000 căn nhà ở xã hội từ quỹ đất của mình, 18.000 căn còn lại được xây trên quỹ đất công và ngân sách thành phố. Thông tin đáng chú ý trên báo điện tử Vnxpress.
Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vào 7 khu đất công với tổng diện tích hơn 27 ha. Trong đó, hai khu đất hơn 2,2 ha lần lượt ở phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức và phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã được thành phố đền bù, giải phóng mặt bằng. Quy mô hai dự án này là 840 căn hộ, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 860 tỷ đồng. Theo đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố còn có gói đầu tư công 11.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội với quy mô 10.000 căn. Kết hợp cả ba nguồn, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ có 70.000 căn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố rất lớn. Theo khảo sát của công đoàn và Viện nghiên cứu phát triển thành phố thì con số này là hơn 200.000 căn.
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG CẠNH TRANH CẦN CÁCH TIẾP CẬN MỚI
Bàn về giải pháp trong phát triển thị trường năng lượng, theo báo điện tử VOV, cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, hiện đại hóa và tầm nhìn năng lượng tái tạo từ đó tạo cơ hội thời đại và vị thế quốc gia mới.
Trong quá trình này, cần điều chỉnh chiến lượng phát triển năng lượng tái tạo cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản về giá cả và thị trường điều tiết, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện. Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng), cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giả điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: THÊM GAM MÀU MỚI, VẪN NỖI LO CŨ
Cơ cấu phát hành đa dạng hơn, xuất hiện một số lô trái phiếu xanh là những nét vẽ mới, thêm sắc màu cho bức tranh trái phiếu doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, gánh nặng trái phiếu đến hạn và chất lượng trái phiếu vẫn là những nỗi lo cũ của kênh huy động vốn này. Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, Số trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 vẫn là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Trong đó, trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu hơn hẳn mức trung bình trên thị trường. Cũng theo Giám đốc Khối Phân tích và Xếp hạng tín nhiệm, khả năng trả nợ của các DN bất động sản nhà ở vẫn ở mức yếu và mức độ phân hóa về khả năng trả nợ ngày càng nới rộng. Với tình hình trên, dự báo, 50% số trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư trong cuối năm 2024 và sang năm 2025 có thể rơi vào nguy cơ chậm trả gốc và lãi, mà phần lớn trong số đó là những DN thường xuyên chậm thanh toán.
THÚC ĐẨY TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU THỦY SẢN
Về cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng, do nhu cầu tăng cao nên lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp bước vào chu kỳ nhập hàng mới, cùng với đó là làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ thị trường thế giới… sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của toàn ngành.
Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, sau khi đạt mức đỉnh 1 tỷ USD trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản tháng 11 tuy chững lại nhưng vẫn đạt con số ấn tượng, với giá trị đạt 924 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023 và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển xuất khẩu của ngành này. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công của ngành thủy sản, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!