Điểm báo: Báo chí với sứ mệnh 'lấy cái đẹp dẹp cái xấu'
Báo chí với sứ mệnh 'lấy cái đẹp dẹp cái xấu'; 'Mắc kẹt' cổ phần hóa, thoái vốn; Sắp sửa gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội; Lo ngại giá nhà chỉ tăng, doanh nghiệp băn khoăn về cách định giá đất';...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 21/6.
BÁO CHÍ VỚI SỨ MỆNH “LẤY CÁI ĐẸP DẸP CÁI XẤU” (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)
Hôm nay, kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, trên nhiều trang báo có các bài viết xung quanh nội dung này. Theo báo Kinh tế và đô thị hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí còn là kênh thông tin đáng tin cậy để người dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, góp phần nhân rộng, lan tỏa cái tốt, cái đẹp, trở thành vũ khí sắc bén đẩy lùi tiêu cực, sai trái. Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng những mặt tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, mà còn là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước ngày nay.
“MẮC KẸT” CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN (TIỀN PHONG)
Trải qua một nửa chặng đường của giai đoạn 2022 - 2025, đến thời điểm này, 19/19 doanh nghiệp chưa cán đích cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt. Tiến trình thoái vốn gặp không ít khó khăn, DN gặp vướng với nhiều lý do dẫn tới mắc kẹt. Bài viết trên báo Tiền phong.
Bộ KH&ĐT đánh giá, Kết quả thực hiện thoái vốn đến nay còn chậm, không đạt tiến độ phê duyệt. Các quy định về thoái vốn vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến thời gian xây dựng và phê duyệt phương án chậm, điều chỉnh nhiều lần. Một số doanh nghiệp còn tồn đọng những vấn đề về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh trong nước, quốc tế biến động, nhà đầu tư có tâm lý e ngại...Còn theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.
SẮP SỬA GÓI TÍN DỤNG 120.000 TỶ CHO NHÀ Ở XÃ HỘI (VNXPRESS)
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn, trong bối cảnh một năm gói này giải ngân chưa tới 1%.
Theo báo điện tử Vnxpress, Nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).
LO NGẠI GIÁ NHÀ CHỈ TĂNG, DOANH NGHIỆP BĂN KHOĂN VỀ CÁCH ĐỊNH GIÁ ĐẤT (DÂN TRÍ)
Doanh nghiệp bày tỏ nhiều lo ngại về cách định giá đất hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng cần tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý thì mới giải được bài toán giảm giá nhà.
Theo bài viết trên báo điện tử Dân trí, TP Hồ Chí Minh còn hơn 58.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là "tắc" định giá đất. Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, Nghị định 44/2014 của Chính phủ quy định về giá đất đã quy định các phương pháp định giá đất. Tuy nhiên thực tế, các tiêu chí để thực hiện định giá đất bị vướng, chủ yếu là phương pháp thặng dư, dẫn đến một số cán bộ viên chức có liên quan vướng vào vòng lao lý, doanh nghiệp cũng bị vướng. Cũng theo bài viết, cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong cách tính tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất cần được tính toán hợp lý mới giải quyết được bài toán giá đất phù hợp với giá thị trường.