Điểm báo: Đăng kiểm chưa hết cảnh ùn tắc
Đăng kiểm chưa hết cảnh ùn tắc; Dạy học sau kiểm tra hết học kỳ II: Không lơ là, cắt xén chương trình; Cần 'gỡ nút thắt hạ tầng' cho các công trình trọng điểm; Ngăn chặn, gỡ bỏ không phải là biện pháp tối ưu xử lý triệt để tình trạng rao bán hóa đơn VAT trên mạng ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 7/5/2023.
ĐĂNG KIỂM CHƯA HẾT CẢNH ÙN TẮC
Từ nay đến cuối năm, tổng số lượng phương tiện trên cả nước cần được kiểm định trong sáu tháng tới là khoảng 2,5 triệu xe. Nhiều dây chuyền kiểm định vẫn chưa thể hoạt động do thiếu đăng kiểm viên dẫn đến tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn và có nguy cơ ngày càng tăng. Thông tin đăng tải trên báo kinh tế và đô thị. Theo tính toán từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu các trung tâm đăng kiểm vẫn chưa được mở cửa thêm trở lại, sẽ phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết 2,5 triệu xe. Đặc biệt là khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn mới hết được ùn tắc đăng kiểm. Bộ GTVT mới đây đã có đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép tiếp tục bố trí thêm lực lượng đăng kiểm viên quân đội tham gia hỗ trợ công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân, DN. Cùng với đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT đơn giản thủ tục đăng kiểm cho xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Căn cứ thời hạn trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp, cơ quan đăng kiểm có văn bản điện tử xác nhận thời hạn kiểm định lần tới cho phương tiện mà không phải cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định.
DẠY HỌC SAU KIỂM TRA HẾT HỌC KỲ II: KHÔNG LƠ LÀ, CẮT XÉN CHƯƠNG TRÌNH
Nhiều cơ sở giáo dục đã hoàn thành thi học kỳ II năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, thi xong học kỳ không có nghĩa là kết thúc chương trình. Việc tổ chức hoạt động dạy học vẫn được triển khai nghiêm túc để hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch. Trước ý kiến lo ngại, học sinh sau khi thi học kỳ sẽ có tâm lý “thả”, tinh thần học tập thiếu nghiêm túc, nhiều thầy cô giáo cho biết, Kiểm tra học kỳ không đồng nghĩa với việc hoàn thành chương trình. Khi kiểm tra học kỳ sẽ dừng chương trình để ôn tập, kiểm tra. Kiểm tra xong tiếp tục hoàn thành đúng theo kế hoạch. Đến nay, nhiều Sở Giáo dục và đào tạo tại các tỉnh thành yêu cầu các trường cần hoàn thành chương trình dạy học theo đúng kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023, phù hợp với phân phối chương trình chi tiết của đơn vị xây dựng trên cơ sở khung chương trình các môn do sở GD&ĐT ban hành. Nghiêm cấm việc dồn ép, cắt xén chương trình. Riêng khối lớp 12, sau khi kết thúc chương trình các môn học, đơn vị ̣ chỉ đạo kiểm tra đồng thời tăng cường dạy ôn tập cho học sinh.
CẦN "GỠ NÚT THẮT HẠ TẦNG" CHO CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM
TP.HCM có nhiều công trình giao thông trọng điểm đắp chiếu trong thời gian dài hoặc thi công một cách ì ạch, chỉ vì vướng nút thắt về hạ tầng kỹ thuật hiện hữu như điện, nước, viễn thông... Từ đó kéo theo vấn đề chậm giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, nhiều dự án giao thông "lỗi hẹn" về đích chỉ vì "lệch pha" trong công tác di dời hạ tầng điện, nước tại TP HCM. Điển hình là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) khởi công năm 2020. Hay như Dự án cầu Long Kiểng, được phê duyệt cách đây gần 23 năm đến nay cũng chưa giải phóng xong mặt bằng. Hiện chủ đầu tư đang cam kết sẽ đưa công trình vào sử dụng ngày 2/9 tới đây. Đồng cảnh ngộ, Cầu Phước Long, (TP.Thủ Đức) cũng ì ạch thi công khi vướng phải mặt bằng. Nhiều người dân bức xúc khi các công trình chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông mà đời sống của người dân xung quanh dự án cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Để các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ tốt quốc kế dân sinh, việc đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo là yêu cầu bắt buộc. Nếu làm chậm hoặc không tương thích chính là lực cản làm giảm tốc công năng các công trình, dự án đem lại; thậm chí là lực cản; gây trì trệ và sự lãng phí lớn.
NGĂN CHẶN, GỠ BỎ KHÔNG PHẢI LÀ BIỆN PHÁP TỐI ƯU XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ TÌNH TRẠNG RAO BÁN HÓA ĐƠN VAT TRÊN MẠNG
Tình trạng rao bán hóa đơn VAT trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội hiện nay. Cụ thể, Theo đại diện lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, việc ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung không phải là biện pháp tối ưu, không xử lý triệt để tình trạng vi phạm bởi sau ngăn chặn gỡ bỏ, các đối tượng vẫn có thể đăng tải lại trên các mạng xã hội. Điều quan trọng là phải xử lý tận gốc vấn đề, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, phát tán thông tin, khi đó mới có tính răn đe, cảnh báo, giảm mức độ vi phạm. Trước đó, Tổng cục Thuế có Công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các wesite có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng. Theo Tổng cục Thuế, đây là biện pháp phối hợp cần thiết trước tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng xã hội đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn VAT gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-dang-kiem-chua-het-canh-un-tac