Điểm báo: 'Đỏ mắt' chờ sửa thuế thu nhập cá nhân

'Đỏ mắt' chờ sửa thuế thu nhập cá nhân; khó khăn xử lý tiền đặt cọc cho 'nhà trên giấy'; Đất nền ven đô vẫn 'khát' người mua; Lao động 'Vật lộn' giữ việc, tìm việc mới... Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

“ĐỎ MẮT”CHỜ SỬA THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Mở đầu là một thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị sáng nay. Vật giá leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, khiến người lao động phổ thông càng thêm nặng gánh.Vì vậy, để giảm gánh nặng cho người lao động, việc sửa thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã quá lạc hậu so với mặt bằng giá cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Theo quy định, hiện mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu). Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là không đủ để người lao động bảo đảm cuộc sống, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... khi họ vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện nước, khám chữa bệnh.... Cùng với đó mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần, nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

KHÓ KHĂN XỬ LÝ TIỀN ĐẶT CỌC CHO “NHÀ TRÊN GIẤY”

Quy định “đặt cọc” là “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” rất cần thiết trong quan hệ giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng lại áp dụng Bộ luật Dân sự để nhận tiền đặt cọc của người dân. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2006, 2014 đều không quy định về đặt cọc. Hiện thực trạng này đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý những tranh chấp về khoản tiền này.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản 2006, 2014 đều không quy định về “đặt cọc” xảy ra trước thời điểm dự án bất động sản, nhà ở đủ điều kiện giao kết hợp đồng, huy động vốn bán nhà trên giấy, nhất là đất nền, nên đã xảy ra tình trạng giới “đầu nậu, cò đất” đã lợi dụng khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 không quy định giá trị, tỷ lệ “tiền đặt cọc” nên đã nhận “tiền đặt cọc” của khách hàng với giá trị lớn, có trường hợp lên đến 90-95% giá trị tài sản giao dịch, thậm chí giới “đầu nậu, cò đất” còn lập cả “dự án ma” không có cơ sở pháp lý nhằm mục đích “lừa đảo”, gây thiệt hại rất lớn cho khách hàng, gây mất trật tự xã hội. Ngoài ra, việc xác định mục đích sử dụng tiền đặt cọc chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, do đó rất khó xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư hoạt động kinh doanh bất động sản.

ĐẤT NỀN VEN ĐÔ VẪN “KHÁT” NGƯỜI MUA

Trong chuyên mục kinh tế - xã hội trên báo Giáo dục và thời đại. Hiện nay không ít nhà đầu tư đang phải “chôn” vốn, tìm đủ mọi cách bán cắt lỗ với những khoản đầu tư mang tên “đất nền ven đô”.

Hiện nay các nhà đầu tư nên thận trọng khi đưa ra quyết định bởi thời điểm hiện tại vẫn hiện hữu nhiều rủi ro khi đầu tư, cụ thể về mặt thanh khoản. Mặt khác, thị trường đất nền phân lô ở khía cạnh sâu hơn vẫn bị “giật dây” bởi các “tay to”. Tuy nhiên, đất nền ven đô vẫn rất khó để tăng thanh khoản dù giá nhiều nơi đã giảm. Các sản phẩm này đã được đẩy giá lên quá cao trong thời gian qua. Người mua ngày càng trở nên cẩn trọng hơn khi tham gia thị trường vì giá bán vẫn còn “neo” cao và nhiều nơi không đảm bảo về mặt pháp lý. Những khó khăn của thị trường bất động sản là do người mua đang có tâm lý muốn giữ tiền chờ bất động sản giảm thêm, ngoài ra một bộ phận không nhỏ vẫn còn có cái nhìn tiêu cực về thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng bị áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao.

LAO ĐỘNG “VẬT LỘN” GIỮ VIỆC, TÌM VIỆC MỚI

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm lao động. Nhiều lao động khác thì giảm thu nhập, không cần đợi tới sa thải đã tự động nghỉ việc, với mong muốn tìm việc mới cho thu nhập cao hơn.

Theo thông tin đăng tải trên báo nông thôn ngày nay số ra sáng nay, hiện cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tình trạng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng phần nào có nguyên nhân từ tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm ngừng hoạt động, dẫn đến phải cắt giảm lao động vừa qua. Để hỗ trợ lao động thất nghiệp, Bộ LĐTBXH đã đề nghị các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì việc làm…. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bhtn trong thời điểm khó khăn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-do-mat-cho-sua-thue-thu-nhap-ca-nhan-197487.htm