Điểm báo: Nợ xấu ngân hàng 'phình to'

Nợ xấu ngân hàng 'Phình to'; Tài xế 'Mắc kẹt' vì ứng dụng xe công nghệ; hà nội: Cần gì để người dân bỏ xe cá nhân, chọn xe buýt? Khi nào bất động sản hồi phục?... Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

NỢ XẤU NGÂN HÀNG “PHÌNH TO”

Hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với “cơn bão” mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rấtlớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại. Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay.

Cụ thể Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm mạnh, hay nói cách khác, sự hồi phục của nền kinh tế tỷ lệ thuận với nợ xấu ngành ngân hàng. Kinh tế vẫn khó khăn và không ít DN vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều. Trong khi đó, số lượng hợp đồng, đơn hàng chưa về nhiều. Nợ xấu của các ngân hàng vì chưa hạch toán cả giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, mà nếu cộng cả vào sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi. Trước sức ép về nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cũng tích cực bán tài sản thế chấp để giảm áp lực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng không thuận lợi.

Tài xế “Mắc kẹt” vì ứng dụng xe công nghệ

Một trong những tin tức đáng chú ý trên trang nhất báo Đại đoàn kết cho biết, với mong muốn có được công việc với mức lương “vài chục triệu đồng”, nhiều người đã bỏ việc làm công nhân để chạy xe công nghệnhưng đã nhanh chóng thất vọng và bị “mắc kẹt” với công việc này.

Theo nhiều tài xế chia sẻ, Hồi đầu công ty khuyến mãi nhiều, tháng kiếm tầm hai, ba chục triệu đồng. Sau dần công ty hết khuyến mãi, thậm chí phạt tài xế vì bỏ cuốc, hủy cuộc, ít sao... khiến công việc khó khăn hơn. Theo phân tích có Hai nguyên nhân khiến cho việc tài xế chạy xe công nghệ ngày một khó khăn hơn là quá nhiều tài xế và nhu cầu đặt hàng của người dân giảm đáng kể. Các đơn hàng vì thế cũng ít đi. Ngoài ra, việc nâng chiết khấu của công ty, tăng các khoản phạt cũng gây áp lực cho tài xế nhiều hơn mà thu nhập cũng
bị eo hẹp. Đặc biệt với các tài xế giao hàng, họ phải ứng tiền trước (đóng vào tài khoản) rồi thanh toán hóa đơn khi lấy hàng. Sau đó giao hàng xong họ mới nhận được tiền từ khách hàng. Với hình thức này, tài xế chịu rất nhiều rủi ro. Hầu hết tài xế công nghệ đều gặp nhiều khó khăn, phải tắt app hoặc chuyển sang công việc khác.

HÀ NỘI: CẦN GÌ ĐỂ NGƯỜI DÂN BỎ XE CÁ NHÂN, CHỌN XE BUÝT?

Xe buýt Hà Nội những năm qua đã có sự cải thiện tích cực về chất lượng dịch vụ. Song, mục tiêu đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân vẫn đang là thách thức lớn.

9 tháng đầu năm 2023, mạng lưới xe buýt của Thủ đô vận chuyển 350 triệu lượt khách, tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng 19,5% so với nhu cầu. Đáng chú ý, ngoài việc chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người lớn tuổi, đến nay một bộ phận nhân viên công sở đã sử dụng xe buýt để đi làm. Theo các chuyên gia, để thu hút người dân bỏ xe cá nhân, chọn xe buýt, Yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách như trợ giá, làn đường dành riêng... Đó là điều doanh nghiệp không tự chủ được.

KHI NÀO BẤT ĐỘNG SẢN HỒI PHỤC?

Khi nào bất động sản phục hồi? Câu hỏi đăng tải trên báo Vneconomy.

Theo phân tích của các chuyên gia, 70-80% các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính. Do đó, doanh nghiệp rất mong mỏi các khía cạnh về pháp lý. Hiện thị trường đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu lớn, nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế. Nhiều chuyên gia dự báo thời điểm để bất động sản có thể cải thiện rõ nét hơn là sau quý 2/2024. Khi lãi suất ngân hàng giảm sẽ tác động rõ nét tới thị trường. Thời điểm hiện tại đến đầu 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn. Nguyên nhân không nằm ở lạm phát, mà vấn đề cơ bản là áp lực tỷ giá. Nếu tỷ giá tăng cao quá, không chỉ là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Vẫn phải chấp nhận mức độ mất giá của VND, nhưng không thể quá cao.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-no-xau-ngan-hang-phinh-to-199376.htm