Điểm báo: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; Hà Nội làm gì để siết chặt tình trạng 'Làm giá, thổi giá' đất?; Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ cao: Cần làm nhanh, quyết liệt; Doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động cho đơn hàng cuối năm… Là những tin có trong điểm báo sáng 6/10.
THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 3 quý vừa qua tiếp tục đạt thấp so với yêu cầu đặt ra. Không những vậy, kế hoạch vốn đầu tư công năm nay được giao thấp hơn 50.000 tỷ đồng so với năm ngoái, nhưng 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân của cả nước thấp hơn tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nỗ lực của các bộ ngành và địa phương là chưa đủ.
Theo bài viết trên báo điện tử VOV, Việc chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay, vẫn do những khó khăn, vướng mắc cũ chưa được giải quyết dứt điểm, như: Vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư; vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn cung ứng nguyên vật liệu. Nhưng trong những khó khăn vướng mắc chung này, vẫn có những bộ ngành và địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nỗ lực vượt bậc thì cũng có thể vượt qua. Nền kinh tế đã bước vào quý 4, các bộ ngành, địa phương cho đến từng chủ đầu tư, cần quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
HÀ NỘI LÀM GÌ ĐỂ SIẾT CHẶT TÌNH TRẠNG "LÀM GIÁ, THỔI GIÁ" ĐẤT?
TP. Hà Nội đang hoàn thiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố để quản lý chặt chẽ đấu giá quyền sử dụng đất, tránh tình trạng "sốt đất ảo".
Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành có biện pháp cụ thể. Trong đó, Hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao “bất thường” để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định
ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO: CẦN LÀM NHANH, QUYẾT LIỆT
Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam...tuy nhiên việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam
Theo bài viết trên báo Giáo dục và thời đại, Cần có Chiến lược và đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, đề ra mục tiêu và các nội dung, giải pháp, chỉ tiêu để thực hiện. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cần đẩy mạnh và hoàn thiện quản trị đại học, tự chủ đại học. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao. Có chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia nhóm nghiên cứu mạnh tại một số trường đại học, viện nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu này là hạt nhân gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực.
DOANH NGHIỆP KHÓ TUYỂN ĐỦ LAO ĐỘNG CHO ĐƠN HÀNG CUỐI NĂM
Nhiều công ty tại Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh sản xuất đáp ứng các đơn hàng dịp cuối năm, đặc biệt là ngành may mặc. Thế nhưng, dù xoay sở nhiều cách, doanh nghiệp vẫn khó tìm đủ lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trên báo Kinh tế và đô thị có bài viết về vấn đề này.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, quý 4 năm nay Thành phố cần từ 78.120 – 83.328 lao động. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, khi đơn hàng dồi dào trở lại, doanh nghiệp lại đang đối mặt với thách thức thiếu lao động, phải xoay xở nhiều cách để tuyển đủ công nhân phục vụ đơn hàng cuối năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng doanh nghiệp ngày càng khó kiếm người. Nguyên nhân là do hiện nay lao động phổ thông có nhiều lựa chọn công việc hơn. Đồng thời, các tỉnh lân cận phát triển nhiều khu công nghiệp nên lượng lao động di cư về thành phố lớn cũng giảm.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!