Điểm chuẩn các trường đại học tư thục biến động qua từng năm

Năm nay, mặt bằng điểm chuẩn các trường đại học tư thục tăng so với năm 2019. Từng nhóm ngành có sự thay đổi điểm chuẩn khác nhau.

Từ 4/10, các trường đại học tư thục trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn xét tuyển vào đại học. Phần lớn điểm chuẩn các ngành đều chuyển biến so với năm 2018, 2019, đặc biệt là y, dược.

Điểm xét tuyển nhóm ngành ngôn ngữ, kinh tế cũng thay đổi. Tuy nhiên, mức thay đổi giữa các trường không đồng đều.

 Điểm chuẩn ngành Y khoa của Đại học Nguyễn Tất Thành cao nhất trong ba năm gần đây. Ảnh: Đại học Nguyễn Tất Thành.

Điểm chuẩn ngành Y khoa của Đại học Nguyễn Tất Thành cao nhất trong ba năm gần đây. Ảnh: Đại học Nguyễn Tất Thành.

Điểm chuẩn ngành y, dược tăng dần qua các năm

Điểm xét tuyển vào các ngành này tại Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thăng Long, Đại học Nguyễn Tất thành luôn nằm trong top cao.

Đặc biệt, điểm chuẩn ngành Y khoa của Đại học Nguyễn Tất Thành năm 2020 lên đến 24 điểm, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo sau đó là ngành Dược học (21 điểm); ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học (19 điểm).

Điểm chuẩn nhóm ngành này tăng 1 điểm so với năm 2019 và tăng 4 điểm so với năm 2018.

Điểm chuẩn ngành Dược học của Đại học Văn Lang năm 2020 là 21 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2019 và tăng 3 điểm so với năm 2018.

Điểm chuẩn ngành Điều dưỡng và Dinh dưỡng tại Đại học Thăng Long năm 2020 tăng hơn 1 điểm so với năm 2019.

So với năm 2018, ngành Điều Dưỡng tăng 4,15 điểm, ngành Dinh dưỡng tăng 1,75 điểm.

Tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, mức xét tuyển của ngành Y khoa năm 2020 là 22,35, ngành Dược học là 21,15. Điểm chuẩn năm 2019 lần lượt là 21 và 20, năm 2018 là 18 và 16.

Ngành Dược học của Đại học Tôn Đức Thắng cũng tăng 3 điểm so với năm 2019.

Nhóm ngành ngôn ngữ biến động

Điểm chuẩn các ngành ngôn ngữ của Đại học Thăng Long năm 2020 là: Ngôn ngữ Anh (21,73), Ngôn ngữ Trung Quốc (24,2), Ngôn ngữ Nhật (22,26), Ngôn ngữ Hàn Quốc (23).

Điểm các ngành này tăng khoảng 2 điểm so với năm 2019 và tăng hơn 3 điểm so với năm 2018.

Em Xuân Quỳnh, sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Thăng Long, nhận xét điểm chuẩn các ngành ngôn ngữ năm nay khá hợp lý, dù cao hơn mọi năm.

Nữ sinh cho rằng do trường mở thêm các ngành mới, chỉ tiêu xét tuyển có hạn nên điểm chuẩn buộc phải nâng cao. Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc nữ sinh theo học tăng 3,7 điểm so với năm 2018.

Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Tôn Đức Thắng năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2019, chỉ tăng 0,25 điểm.

Trong khi đó, tại Đại học Nguyễn Tất Thành, điểm xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh không có biến động. Trong ba năm gần đây vẫn giữ nguyên mức điểm 15.

Điểm ngành Ngôn ngữ Trung tăng nhẹ vào năm 2019 rồi quay về mức 15 vào năm 2020.

Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Văn Lang năm 2020 tăng 2,5 điểm so với năm 2019 và tăng 1 điểm so với năm 2018.

Trong khi điểm chuẩn ngành ngôn ngữ của các đại học trường tư thục khác tăng, ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Hoa Sen trong hai năm gần đây lại có dấu hiệu giảm so với 2018.

Cụ thể, điểm chuẩn ngành này năm 2019, 2020 là 16, năm 2018 là 18,5.

 Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Văn Lang tăng 3 điểm so với năm 2019. Ảnh: Đại học Văn Lang.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Văn Lang tăng 3 điểm so với năm 2019. Ảnh: Đại học Văn Lang.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tăng rõ rệt

Điểm xét tuyển ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Hoa Sen, Đại học Thăng Long, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Văn Lang, Đại học Nguyễn Tất Thành đều có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu của Đại học Hoa Sen tăng đều 1 điểm qua mỗi năm. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin cũng tăng 1 điểm so với năm 2019.

Tại Đại học Thăng Long, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin năm 2020 khá cao (21,96 điểm). Năm 2019, điểm xét tuyển của ngành này chỉ ở mức 16,5.

Các ngành khác như Khoa học máy tính, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Hệ thống thông tin và Trị tuệ nhân tạo đều lấy trên 20 điểm, tăng 4,5 điểm so với năm 2019.

Ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Văn Lang lấy 18 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2019.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng đều 0,5 điểm qua mỗi năm. Năm 2020, trường lấy mức điểm xét tuyển ngành này là 16.

Riêng tại Đại học Tôn Đức Thắng, trường chú trọng đào tạo 3 ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và Truyền thông và Kỹ thuật phần mềm. Điểm chuẩn 3 ngành này đều trên 30 điểm (tính theo thang điểm 40).

So với năm 2019, điểm các ngành này tăng từ 1,5 đến 3 điểm.

Nhóm ngành Kinh tế tăng không đều

Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành thuộc nhóm kinh tế tại các trường đại học tư thục năm 2020 tăng. Tuy nhiên, sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường không đồng đều.

Tại Đại học Tôn Đức Thắng, điểm chuẩn các ngành này đều trên 30 điểm (tính theo thang điểm 40). Cụ thể: Quản trị kinh doanh - Chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực (34,35), Quản trị kinh doanh - chuyên ngành Quản trị Nhà hàng - Khách sạn (35,25), Marketing (35,25), Kinh doanh quốc tế (35,25), Tài chính ngân hàng (33,5), Kế toán (33,5).

So với năm 2019, điểm chuẩn tăng từ 1,85 đến 3,5 điểm.

Điểm chuẩn các ngành kinh tế tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lần lượt là: Quản trị kinh doanh (19), Kế toán (16), Kinh doanh quốc tế (15,6), Tài chính - Ngân hàng (15,2), Quản lý Kinh tế (15).

So với năm 2019, điểm xét tuyển các ngành này chỉ tăng 0,5 hoặc giữ nguyên. Riêng ngành Kinh doanh quốc tế giảm 4,4 điểm.

Điểm chuẩn các ngành kinh tế của Đại học Nguyễn Tất Thành năm 2020 dao động từ 15 đến 16 điểm. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, trường bổ sung ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, lấy mức điểm chuẩn là 15.

So với năm 2018 và 2019, điểm chuẩn các ngành này chỉ tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm, có ngành không biến động.

Giống với Đại học Nguyễn Tất Thành, trong hai năm gần đây, Đại học Thăng Long tuyển sinh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Điểm chuẩn xét tuyển năm 2020 ngành này khá cao (23,35 điểm), tăng 4,35 điểm so với năm 2019.

Mức xét tuyển của các ngành khác lần lượt là: Marketing (23,9), Quản trị kinh doanh (22,6), Quản trị du lịch và Lữ hành (21,9), Kế toán (21,85), Tài chính - Ngân hàng (21,85).

Năm 2018, 2019, điểm chuẩn các ngành này đều dưới 20.

Tại Đại học Hoa Sen, điểm các ngành kinh tế năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2018 và 2020.

Cụ thể, mức xét tuyển ngành kinh tế của trường năm 2020 dao động từ 16 đến 17 điểm, năm 2019 dao động từ 15 đến 16 điểm.

Điểm chuẩn năm 2018 nhỉnh hơn, dao động từ 16,5 đến 18,8 điểm.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-chuan-cac-truong-dai-hoc-tu-thuc-bien-dong-qua-tung-nam-post1138599.html