Điểm chuẩn ngành sư phạm cao chót vót: Niềm vui và nỗi lo

Điểm chuẩn ngành sư phạm hầu hết các trường đại học trên cả nước năm nay tăng rất cao so với các năm trước. Đây là tín hiệu vui của ngành giáo dục, tuy vậy vẫn còn đó những nỗi lo, đó là sau khi tốt nghiệp đại học, liệu sinh viên có kiếm được việc làm như kì vọng hay không.

Thế hệ các nhà giáo trẻ hiện nay. Báo Yên Bái

Thế hệ các nhà giáo trẻ hiện nay. Báo Yên Bái

Những ngày qua, liên quan đến điểm chuẩn ngành sư phạm kì tuyển sinh đại học năm nay, trên các diễn đàn của giáo viên đã có hàng ngàn bình luận về chủ đề này. Hầu hết giáo viên đều vui mừng vì điểm xét tuyển đầu vào ngành sư phạm cao chót vót.

Chẳng hạn, ngành Sư phạm Quốc phòng An ninh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lấy 28,26 điểm khối D (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), cao điểm hơn điểm chuẩn các khoa của Trường Đại học Ngoại Thương – ngôi trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất nước từ hàng chục năm nay.

Hoặc điểm chuẩn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngành Ngữ văn và Lịch sử lấy điểm chuẩn lên đến 28,6 điểm. Điểm chuẩn hai ngành này tăng khoảng 1,6-1,75 điểm so với năm ngoái. Theo sau là ngành Sư phạm Địa lý với 28,37 điểm, tăng gần 2 điểm. Các ngành còn lại trong nhóm Sư phạm đều lấy từ 23,69 trở lên.

Kể cả một số trường đại học vùng thì điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay cũng tăng khá cao. Ví dụ, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024 bằng phương thức xét điểm thi trung học phổ thông của Trường Đại học Đà Lạt cao nhất 27,75 đối với ngành Sư phạm Ngữ văn, tiếp đến là Lịch sử (27,25), giáo dục tiểu học (26),…

Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngành sư phạm có điểm chuẩn tăng cao đó là: Thứ nhất, học sinh xếp loại học lực giỏi mới có cơ hội xét tuyển vào sư phạm theo các phương thức. Thứ hai, chính sách về tiền lương nhà giáo có nhiều thay đổi, đáng chú ý tăng hệ số lương lên 2,34 triệu đồng/tháng. Thứ ba, sinh viên sư phạm đang được áp dụng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo quy định.

Có thể nhận thấy, điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay cao chót vót là tín hiệu vui của ngành giáo dục. Tuy vậy, vẫn còn đó những nỗi lo, đó là sau khi tốt nghiệp đại học, liệu sinh viên có kiếm được việc làm như kì vọng hay không.

Bởi vì, các môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh,… thì số lượng giáo viên gần như bão hòa, trong khi đó, giáo viên về hưu, giáo viên nghỉ việc chiếm số lượng ít. Thành thử, các kì tuyển dụng giáo viên, nhất là ở các thành phố lớn có tỉ lệ "chọi" rất cao.

Ví dụ, năm 2024, dẫn đầu tỉ lệ "chọi" kì tuyển dụng viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh là giáo viên môn Vật lý: 1/34. Hoặc giáo viên Hóa học là 1/19,5; giáo viên Sinh học là 1/11; giáo viên Toán 1/9,… Các môn khan hiếm nguồn tuyển nhiều năm qua cũng có tỉ lệ "chọi" cao, ví dụ môn Tiếng Anh có tỉ lệ "chọi" 1/7; Tin học là ½; Âm nhạc là 1/1,4.

Ngoài ra, nhiều giáo viên trải lòng, ở các địa phương nơi thầy cô đang công tác, việc tuyển dụng giáo viên dù công khai nhưng khó kiểm chứng sự minh bạch, dẫn đến tình trạng có giáo viên giỏi nhưng không trúng tuyển và ngược lại.

Việc tuyển dụng viên chức giáo viên hiện nay theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Giáo viên trải qua 2 vòng thi lí thuyết và thực hành – giảng dạy khoảng 15 phút. Việc thi lí thuyết tương đối minh bạch nhưng thi thực hành thì ứng viên không được phúc khảo.

Đáng nói, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng nhiều sinh viên sư phạm đành ngậm ngùi đi làm việc khác hoặc dạy kèm, sống qua ngày, chờ cơ hội do tỉnh không tổ chức thi tuyển giáo viên nhiều năm liền.

Truyền thông từng phản ánh, thiếu giáo viên trầm trọng nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp, trong đó có lí do địa phương không tuyển dụng viên chức, mặc dù chỉ tiêu biên chế vẫn được các cấp có thẩm quyền giao đầy đủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng nhiều lần yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Tuy vậy, đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ nếu việc tuyển dụng viên chức giáo viên vẫn theo quy trình như hiện nay. Cần công khai về số lượng, tiêu chuẩn, hình thức, kết quả trúng tuyển trong các kì thi tuyển viên chức giáo viên để Nhân dân giám sát, phản biện, góp ý.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/diem-chuan-nganh-su-pham-cao-chot-vot-niem-vui-va-noi-lo-179240821131635535.htm