Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện trong những năm gần đây

Ngành Truyền thông đa phương tiện tại một số cơ sở giáo dục đại học thường có mức điểm chuẩn cao và có xu hướng tăng dần qua từng năm.

Truyền thông đa phương tiện là ngành kết hợp tri thức giữa truyền thông - báo chí và công nghệ thông tin vào sáng tạo, thiết kế và phát triển các sản phẩm mỹ thuật để ứng dụng trong các lĩnh vực như truyền thông, giáo dục… và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê điểm chuẩn, phương thức xét tuyển và chỉ tiêu ngành Truyền thông đa phương tiện tại một số trường đại học trên cả nước để thí sinh tiện theo dõi.

Theo đó, ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét tuyển theo các tổ hợp gồm C15 (Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội), A16 (Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên) và D01; R22 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh). Các tổ hợp này được duy trì liên tục trong các năm từ 2022 - 2023.

Năm 2024, ngoài 3 tổ hợp xét tuyển như các năm trước, Học viện bổ sung thêm tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh).

Năm 2021, điểm chuẩn của ngành này với tổ hợp C15 là 28.6 điểm; tổ hợp A16 là 21.1 điểm; tổ hợp D01, R22 là 27.6 điểm.

Năm 2022, điểm chuẩn của ngành này tăng lên ở hai tổ hợp, cụ thể tổ hợp C15 là 29.25 điểm; tổ hợp A16 là 26.75 điểm; tổ hợp D01, R22 là 27.25 điểm.

Năm 2023, điểm chuẩn của ngành này với tổ hợp C15 là 28.68 điểm, cùng mức điểm với tổ hợp A16; tổ hợp D01, R22 là 27.18 điểm.

 Điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền các năm 2021 - 2023.

Điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền các năm 2021 - 2023.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền duy trì số lượng chỉ tiêu ổn định qua các năm từ 2022 đến 2023 với con số 50 sinh viên.

Đến năm 2024, chỉ tiêu ngành này tăng đến 150, bao gồm 104 chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 23 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và 23 chỉ tiêu cho phương thức kết hợp.

Năm 2024, Học viện dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: xét học bạ (15% chỉ tiêu), xét tuyển kết hợp (15% chỉ tiêu), xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (70% chỉ tiêu).

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong những năm gần đây khá ổn định.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành này là 26.55 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2022, điểm chuẩn ngành này theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 26.20, phương thức xét tuyển kết hợp là 26.92, phương thức đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là 20.45.

Trong khi đó, năm 2023, điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 26.33, phương thức xét tuyển kết hợp là 26.74, phương thức đánh giá năng lực, đánh giá tư duy giảm còn 17.65.

 Điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông các năm 2021, 2022, 2023 theo 3 phương thức.

Điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông các năm 2021, 2022, 2023 theo 3 phương thức.

Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp tục tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện với 140 chỉ tiêu.

Về phương thức xét tuyển, học viện dự kiến dành 10% chỉ tiêu cho xét tuyển tài năng; 15% chỉ tiêu cho xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; 25% chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp; 50% chỉ tiêu cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Theo thông tin đăng tải trên website Trường Đại học Hà Nội, năm 2021, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 3 năm trở lại đây có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021 là 26.75 điểm, năm 2022 là 26.00 điểm và năm 2023 là 25.94 điểm.

 Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Hà Nội trong các năm trở lại đây theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Hà Nội trong các năm trở lại đây theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2024, mức điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện có điều kiện (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) của phương thức xét tuyển kết hợp như sau. Với phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (mã 402), điểm trúng tuyển là 16.29. Với phương thức xét kết quả thi chuẩn hóa SAT (mã 408), điểm trúng tuyển là 25.50.

Phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ năng lực tiếng Anh của học sinh (mã 410) có điểm trúng tuyển là 21.48.

Phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh các lớp chuyên, lớp song ngữ thuộc trường trung học phổ thông chuyên (mã 501) có điểm trúng tuyển là 18.11.

Phương thức xét tuyển giải Nhất - Nhì - Ba cấp tỉnh/thành phố (mã 502) có điểm trúng tuyển là 19.08.

Phương thức xét tuyển thành viên đội tuyển học sinh giỏi cấp Quốc gia (mã 503) có điểm trúng tuyển là 33.18.

Phương thức xét tuyển học sinh tham dự cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp Quốc gia (mã 504) có điểm trúng tuyển là 31.08.

 Mức điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển kết hợp vào đại học hình thức chính quy khóa 2024 - 2028 ngành Truyền thông đa phương tiện Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: website trường.

Mức điểm trúng tuyển phương thức xét tuyển kết hợp vào đại học hình thức chính quy khóa 2024 - 2028 ngành Truyền thông đa phương tiện Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: website trường.

Năm 2024, Trường Đại học Hà Nội áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, bao gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển kết hợp; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chỉ tiêu ngành Truyền thông đa phương tiện năm 2024 là 90, bao gồm 45 chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; 45 chỉ tiêu theo các phương thức khác.

Ngành Truyền thông đa phương tiện luôn là một trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Thăng Long với mọi phương thức tuyển sinh.

Điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của trường là 26.00, năm 2022 là 26.80, năm 2023 là 25.89, với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, C00, D01.

 Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Thăng Long trong các năm 2021-2023 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Thăng Long trong các năm 2021-2023 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2024, chỉ tiêu của ngành Truyền thông đa phương tiện là 180 sinh viên, trong đó, 108 chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 18 chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp, 27 chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, 27 chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong các năm 2021-2023, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xét theo từng tổ hợp.

Xét theo tổ hợp D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh), ngành này có điểm chuẩn 27.7, tổ hợp D14 (Ngữ Văn, Lịch sử, Tiếng Anh) và tổ hợp D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh) cùng có điểm chuẩn 27.9.

Năm 2022, tổ hợp D01 có điểm chuẩn 27.15, tổ hợp D14 và tổ hợp D15 cùng có điểm chuẩn 27.55.

Năm 2023, điểm chuẩn của 3 tổ hợp trên cơ bản không thay đổi nhiều so với hai năm trước, với 27.2 điểm tương ứng với tổ hợp D01, 27.25 điểm tương ứng với tổ hợp D14 và tổ hợp D15.

 Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 2021-2023 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với 3 tổ hợp D01, D14, D15.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm 2021-2023 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với 3 tổ hợp D01, D14, D15.

Năm 2024, trường dự kiến dành tối đa 92 chỉ tiêu cho ngành Truyền thông đa phương tiện.

Nhà trường phân bổ chỉ tiêu theo 5 phương thức: 1-5% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; 15-20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 40-55% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024; 35-50% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2024; 1-5% tổng chỉ tiêu cho các phương thức khác.

Tại Trường Đại học Văn Lang, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện qua các năm cơ bản không biến động nhiều. Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2022 và 2023 cùng có mức điểm trúng tuyển là 18.00. Phương thức xét học bạ và các phương thức khác có điểm trúng tuyển năm 2022 là 18.00, năm 2023 là 20.00.

 Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Văn Lang trong các năm 2022-2023 theo 3 phương thức xét tuyển.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Văn Lang trong các năm 2022-2023 theo 3 phương thức xét tuyển.

Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho ngành Truyền thông đa phương tiện là 930 đối với phương thức xét học bạ, 120 chỉ tiêu với phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT).

Năm nay trường tuyển sinh theo 6 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả học bạ; xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu đối với 11 ngành năng khiếu; xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả thi V-SAT năm 2024.

Đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, năm 2024, ngành Truyền thông đa phương tiện dự kiến tuyển sinh 260 chỉ tiêu, với 4 tổ hợp bao gồm A01, C00, D01, D15.

Năm 2021, điểm trúng tuyển ngành này theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 15 điểm, phương thức xét học bạ (điểm trung bình cả năm lớp 12) là 6.0 điểm, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 550 điểm.

Năm 2022, điểm trúng tuyển ngành này theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng lên 18 điểm, phương thức xét học bạ (điểm trung bình cả năm lớp 12) là 6.0 điểm, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 550 điểm, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là 70 điểm.

Điểm trúng tuyển ngành này năm 2023 cơ bản giữ nguyên so với năm 2022, ngoại trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm xuống còn 15 điểm.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong các năm 2021-2023 theo 4 phương thức xét tuyển.

Năm 2024, nhà trường dự kiến dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ và 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi đạt giải các kỳ thi, thí sinh nước ngoài.

Trường Đại học Duy Tân có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 dự kiến là 8.800, phân bổ cho 4 phương thức tuyển sinh như sau: 50% chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 40% chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông; 10% chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường.

Năm 2024, ngành Truyền thông đa phương tiện có tổng 150 chỉ tiêu, trong đó, 75 chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 60 chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học bạ trung học phổ thông, 15 chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện được giữ ổn định là 14 điểm xuyên suốt các năm 2021 - 2023.

Với Học viện Phụ nữ Việt Nam, điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện tăng dần theo từng năm.

Theo Thông báo điểm trúng tuyển trên website học viện, với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2021, điểm trúng tuyển của ngành học này là 19.00 điểm. Năm 2022 và 2023, điểm chuẩn ngành này tăng lên mức 24.00 và 24.75 điểm.

 Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam trong các năm trở lại đây theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Phụ nữ Việt Nam trong các năm trở lại đây theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của học viện, năm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam dự kiến tuyển sinh 1.590 chỉ tiêu, trong đó, ngành Truyền thông đa phương tiện có 150 chỉ tiêu, với hai chuyên ngành là Thiết kế đa phương tiện và Báo chí truyền thông.

Học viện tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học bạ; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét tuyển kết hợp kết quả học bạ với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/diem-chuan-nganh-truyen-thong-da-phuong-tien-trong-nhung-nam-gan-day-post243731.gd