Điểm chuẩn tăng, thí sinh lo lắng đổi nguyện vọng
Các chuyên gia giáo dục nhận định điểm trúng tuyển chung của nhiều ngành năm nay sẽ tăng, do vậy thí sinh cần có lựa chọn chính xác để chắc suất ở đợt xét tuyển đầu tiên
Nằm trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2019, sáng 15-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Điều chỉnh nguyện vọng (NV) và cơ hội trúng tuyển ĐH". Ban tư vấn đã giải đáp hàng trăm câu hỏi để gỡ rối những băn khoăn, trăn trở của các em về việc thay đổi NV sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.
Khi điểm ở ranh giới đậu - rớt
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nhận xét ở thời điểm này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả thi THPT quốc gia thì hầu hết các câu hỏi tập trung vấn đề có khả năng đậu vào trường nào. Điều này cũng dễ hiểu bởi nếu so với điểm trúng tuyển của các trường năm 2018 thì các em đủ hoặc dư một ít nhưng mặt bằng điểm thi năm nay tốt hơn năm ngoái nên dự kiến nhiều ngành ở các trường ĐH điểm chuẩn có thể tăng.
Thí sinh Bùi Bảo Ngọc gửi câu hỏi: "Kết quả điểm thi của em cao hơn 1 điểm so với điểm trúng tuyển năm 2018 của ngành mà em đăng ký xét tuyển. Với kết quả này, liệu em có khả năng trúng tuyển không?". Bạn đọc Hà Lực hỏi con anh thi được 24,6 điểm có thể trúng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM không? Còn thí sinh Thanh Long băn khoăn khi đăng ký xét tuyển vào ngành marketing của Trường ĐH Tài chính - Marketing và kết quả thi của em chỉ hơn điểm trúng tuyển năm ngoái của ngành này 0,25 điểm…
Những băn khoăn của thí sinh và phụ huynh đã được các khách mời của chương trình lần lượt trả lời. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho rằng các trường hợp thí sinh hỏi đều có mức điểm cao hơn điểm trúng tuyển năm 2018 của ngành xét tuyển nhưng mức điểm chênh lệch không nhiều. Với mức điểm trên, thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhưng không chắc chắn vì điểm trúng tuyển vào một ngành học phụ thuộc nhiều yếu tố, như số chỉ tiêu, số thí sinh đăng ký xét tuyển, kết quả thi của thí sinh từng năm.
Với tình hình kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh năm 2019 có phần cao hơn của năm 2018 nên có thể dự đoán là điểm trúng tuyển chung của nhiều ngành sẽ tăng. Do vậy, thí sinh cần có các phương án dự phòng.
TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, khuyên thí sinh Thanh Long với mức điểm đang có, nên đăng ký các NV là ngành marketing chương trình đại trà, ngành marketing chương trình chất lượng cao, ngành quản trị kinh doanh chương trình đại trà, ngành quản trị kinh doanh chương trình chất lượng cao thì khả năng trúng tuyển sẽ cao.
Giành cơ hội ở đợt xét tuyển đầu
Thí sinh Nhật Khánh bày tỏ băn khoăn về việc em đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM nhưng bạn thân của em, học cùng trường, cùng mức điểm thi giống em lại xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương. Em có nên theo bạn đổi NV xét tuyển không?
Giải đáp, cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), khuyên khi em đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa là em có ý nguyện vào ngành nghề cụ thể phù hợp khả năng và sở thích của mình. "Em nên xem xét cẩn thận các yếu tố như đã từng được các thầy cô tư vấn hướng nghiệp. Em cần xem lại tổng điểm thi 3 môn 22,5 điểm là theo khối nào (A, A1, D…) có phù hợp với trường ĐH, ngành nghề không? Khả năng học tập rèn luyện ở trường ĐH, môi trường làm việc ứng với ngành nghề đó?...
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nếu kết quả thi THPT quốc gia không như mong muốn hoặc thí sinh có điểm thi ngang bằng hay hơn điểm chuẩn năm 2018 của ngành đã đăng ký nhưng không chắc chắn thì thí sinh có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung NV cho phù hợp để có cơ hội trúng ngay đợt xét tuyển đầu tiên.
Số liệu xét tuyển hằng năm cho thấy đợt xét tuyển đầu tiên (từ ngày 6 đến 8-8) là quan trọng nhất vì khi kết thúc, khoảng 70% chỉ tiêu đã được lấp đầy, nhiều trường ĐH lớn, những ngành học hấp dẫn đã tuyển đủ chỉ tiêu. Trong các đợt xét tuyển sau ngày 15-8 chỉ còn những trường, ngành còn thiếu chỉ tiêu mới tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22-7
Theo quy định, thí sinh có thể điều chỉnh, thay đổi, bổ sung nguyện vọng (NV) từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 29-7 đối với phương thức điều chỉnh trực tuyến; đến 17 giờ ngày 31-7 theo phương thức điều chỉnh trên phiếu. Việc điều chỉnh NV nếu có cũng nên xem xét kỹ.