Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập: Sao không xét tuyển khi hơn một điểm mỗi môn vẫn đỗ?
Sau đợt công bố điểm chuẩn lấy thí sinh vào lớp 10 công lập năm nay, tiếp tục lộ diện những trường lấy điểm thấp lè tè chỉ cần xấp xỉ 1-1,5 điểm mỗi môn cũng đỗ khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về chất lượng đầu vào của học sinh.
Điểm thấp lè tè hơn 1 điểm cũng đỗ
Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2021 - 2022. Theo đó, trường THPT Lý Tự Trọng có mức điểm trúng tuyển cao nhất tỉnh Khánh Hòa với 32,75 điểm. Trong khi đó, trường THPT Tôn Đức Thắng có mức điểm trúng tuyển thấp nhất 6,75 điểm. Như vậy, trung bình mỗi thí sinh đạt từ 1,35 điểm/môn thi là đỗ vào lớp 10 của trường Tôn Đức Thắng.
Theo mức điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập được Sở GD&ĐT Thái Nguyên công bố, năm nay trường THPT Võ Nhai (8 điểm) và THPT Hoàng Quốc Việt (8,5 điểm) là hai trường có điểm đầu vào thấp nhất toàn tỉnh. Với cách tính điểm của thí sinh đăng ký nguyện vọng vào hai trường THPT công lập trên chỉ cần 1,6 điểm/môn thi đỗ vào trường THPT Võ Nhai và 1,7 điểm/môn thi đỗ vào trường THPT Hoàng Quốc Việt.
Sở GD&ĐT Hưng Yên công bố điểm chuẩn trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022 trên địa bàn tỉnh. Trường THPT Phù Cừ điểm chuẩn là 12,6 điểm, trung bình 4,2 điểm/môn thi. Đây cũng là trường có điểm trúng tuyển đầu vào thấp nhất toàn địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Tương tự tại Hà Nội, năm nay, trường THPT Minh Quang và THPT Bất Bạt tiếp tục đứng cuối bảng điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội với 18,05 điểm. Trong top 10 trường lấy điểm chuẩn thấp nhất còn có trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, THPT Mỹ Đức C cùng mức điểm 20; THPT Lưu Hoàng, Bắc Lương Sơn cùng điểm 21. Như vậy học sinh chỉ cần điểm mỗi môn trung bình khoảng 3,4 điểm đã được nhập học.
Nhìn vào điểm chuẩn năm nay có thể thấy sự chênh lệch rõ giữa các trường và các địa phương. Điểm chuẩn chênh lệch giữa trường lấy thấp nhất và trường cao nhất ở Hà Nội hay ở cả các địa phương khác có khi lên tới hơn 30 điểm.
Vẫn cần thi thì học sinh mới học?
Bà Văn Liên Na - hiệu phó trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho rằng, việc điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay nhiều trường ở các tỉnh chỉ lấy hơn 1 điểm/ môn là rất thấp.
Tuy nhiên, theo bà Na, chúng ta phải chấp nhận những “vùng trũng” trong giáo dục như vậy vì có sự không đồng đều giữa các vùng miền. Dù điểm thấp những trường và học sinh này vẫn cần được trân trọng.
“Những trường như thế này vất rất có công trong việc dạy các em về kiến thức. Tuy nhiên, ở những môi trường này cần chung tay của phụ huynh, nhà trường và học sinh chứ không thể “trăm sự nhờ thầy cô” mà được”- bà Na nhấn mạnh.
Bà Na chia sẻ, đừng đặt ra vấn điểm chuẩn thấp thế này thì không nên tổ chức thi nữa mà xét học bạ cho học sinh vào luôn.
“Đã học thì phải có kì thi, nhất là thi chuyển cấp. Thực ra các kì thi là rất cần để đánh giá lại chất lượng dạy học một cách thực chất, khách quan nhất. Không phải thấy điểm thấp như vậy là nói nên chỉ xét tuyển vào lớp 10 bằng học bạ”- bà Na nói.
Bà Na cho rằng, nếu các trường chỉ có xét học bạ thì nảy sinh rất nhiều vấn đề trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Ngay việc thầy cô cho điểm có sự chênh lệch, và rất khó kiểm soát việc đánh giá điểm trong nhà trường. Ở mỗi kì thi chuyển cấp hoặc kì thi vào 10, vị hiệu phó này vẫn ủng hộ là phải thi.
Liên quan đến việc chênh lệch điểm thi giữa các trường quá cao, Thầy Nguyễn Quốc Bình- nguyên Hiệu trưởng của trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đã từng chia sẻ, ngành giáo dục ở địa phương, trường đã có đánh giá rút kinh nghiệm và liệu chúng ta có thay đổi được không? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó. Chứ cứ để năm nay như thế này năm sau vẫn như thế thì rõ ràng không được.
Cũng theo thầy Bình, điểm thi vào lớp thực ra các kì thi là đánh giá lại chất lượng dạy học một cách thực chất, khách quan nhất để từ đó thấy được chất lượng dạy và học để từ đó tìm ra nguyên nhân từ đâu có kết quả như vậy.
“Vì thế, phải rà soát lại từ đội ngũ giáo viên, điều kiện học tập, nội dung chương trình dạy và học, cơ sở vật chất phục vụ của từng địa phương, từng nhà trường, từng gia đình, học sinh”- thầy Bình nói.
Cũng theo thầy Bình, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân ở đâu? Đây là vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điều kiện học tập thì phải giải pháp phù hợp nhưng không có nghĩa là buông lỏng để cho các em dù không học mà vẫn được lên lớp.
Khi chúng ta có một cái đánh giá bằng một trình độ, năng lực nào đó, học sinh không được 8,9 thì cũng phải được 5 điểm chứ không thể nào buông lỏng.