Điểm chung của các mô hình trao sinh kế, gieo khát vọng vươn lên cho người nghèo

Việc trao tặng gà hay bò giống nhằm giúp đỡ, tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Hải Lăng có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo kết quả rà soát về nghèo đa chiều cuối năm 2023, toàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) còn hơn 2.100 hộ nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và cận nghèo), tương ứng tỷ lệ nghèo đa chiều là 8,56%.

Trẻ em tại các vùng khó khăn được quan tâm đặc biệt về giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

Trẻ em tại các vùng khó khăn được quan tâm đặc biệt về giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, trong tháng 8 và 9, huyện Hải Lăng tổ chức bàn giao con giống cho hơn 70 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn huyện.

Ông Trương Đăng Tác, ở Tổ 1, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, là một trong số 35 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò giống lai Sind. Được nhận 3 con bò giống khỏe mạnh, ông Tác giữ niềm tin đây là cơ hội gia đình ông và 34 hộ còn lại phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tổng cộng 105 con bò giống được trao cho 35 hộ tại các xã Hải Chánh, Hải Dương và Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Khi bò giống được bàn giao, cán bộ trạm thú y xã tiến hành kiểm tra hồ sơ, kiểm dịch và các giấy tờ kèm theo. Bò cũng được kiểm tra lâm sàng sức tình hình khỏe, phun tiêu độc, khử trùng để đảm bảo công tác vệ sinh thú y.

Đây là hoạt động trong Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi bò cái sinh sản thuộc Dự án 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 tại huyện Hải Lăng.

Cùng với việc hỗ trợ con giống, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, cách xử lý một số bệnh thường gặp. Các xã thành lập tổ cộng đồng chăn nuôi bò cái lai Sind để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình chăn nuôi.

Lãnh đạo xã Hải Lâm cho biết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong thời gian qua, xã chọn được một Tổ cộng đồng gồm 6 hộ tham gia. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, các Tổ cộng đồng và thông qua các buổi hội họp để bình xét đúng đối tượng theo quy định.

Sau đó, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện tổ chức cho các tổ tham quan và lựa chọn bò giống tại trang trại ở Nghệ An. Huyện Hải Lăng chú trọng đảm bảo chất lượng con giống khỏe mạnh, không dị tật, đã được tiêm phòng và kiểm dịch đầy đủ.

Tháng 9, 36 hộ gia đình nghèo, mới thoát nghèo có khả năng lao động tại hai xã Hải Khê, Hải An thuộc huyện Hải Lăng cũng được trao gà giống trong dự án “Chăn nuôi gà thương phẩm” thuộc nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Tổng cộng có 7.200 con gà lai đá được trao cho 36 hộ, tương đương mỗi hộ được cấp 200 con gà. Gà khi đến tay người dân đã đạt từ 21 ngày tuổi, trọng lượng bình quân 300gram/con, được tiêm phòng đẩy đủ 5 lần vắc xin các loại. Ngoài ra, trong đợt 1, mỗi hộ còn được cấp 500kg thức ăn hỗn hợp cho gà.

Cũng như việc thực hiện trao bò sinh sản cho hộ nghèo, với mô hình chăn nuôi gà thương phẩm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã kiểm tra đầy đủ các điều kiện để nhập con giống về địa phương. Tại thời điểm kiểm tra, đàn gà đảm bảo khỏe mạnh và không có triệu chứng của bệnh truyền nhiễm.

Điểm chung khác trong việc thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại Hải Lăng là không "cho không" mà hỗ trợ có điều kiện, ràng buộc trách nhiệm, qua đó khơi dậy ý chí vươn lên của người dân được thụ hưởng mô hình.

Đơn cử, tổng kinh phí thực hiện dự án Chăn nuôi bò cái sinh sản năm 2024 tại 3 xã trên đây của huyện Hải Lăng là trên 3,4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng, số tiền còn lại khoảng 1,5 tỷ đồng là nhân dân đối ứng bằng ngày công lao động, chăm sóc; xây dựng chuồng trại, hố ủ phân, thức ăn, trồng cỏ, thuốc thú y, vắc xin... Sau thời gian 36 tháng, các hộ sẽ hoàn trả lại 20% kinh phí đã được hỗ trợ để quay vòng dự án.

Tương tự, tổng kinh phí thực hiện dự án Nuôi gà thương phẩm cho 36 hộ gia đình tại xã Hải Khê và Hải An đạt trên 570 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 464 triệu đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ con giống, thức ăn, vắc xin, máng ăn cho gà, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật…), số tiền còn lại hơn 100 triệu đồng là nhân dân đối ứng bằng kinh phí xây dựng, sữa chữa chuồng trại và các chi phí khác. Sau thời gian 3 tháng, các hộ sẽ hoàn trả lại 10% kinh phí đã được hỗ trợ để quay vòng dự án.

Lãnh đạo huyện Hải Lăng khẳng định việc trao tặng vật nuôi như gà hay bò giống nhằm giúp đỡ, tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, đa chiều. Đối với dự án chăn nuôi bò cái sinh sản, dự kiến trong thời gian 3 năm sẽ có 100% hộ thoát nghèo.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/diem-chung-cua-cac-mo-hinh-trao-sinh-ke-gieo-khat-vong-vuon-len-cho-nguoi-ngheo-2329324.html