Điểm cốt yếu của phiên giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải
Xét dưới góc độ phía bị hại, nếu Hồ Duy Hải không phạm tội thì ai là người thực hiện hành vi này? Luật sư cho rằng đây là câu hỏi quá khó đối với cơ quan tiến hành tố tụng.
Sáng 6/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, quê huyện Thủ Thừa, Long An) bị kết án tử hình về 2 tội Giết người, Cướp tài sản do liên quan vụ án mạng xảy ra vào tối 13/1/2008.
Phiên giám đốc thẩm dự kiến kéo dài 3 ngày do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa. Luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cũng được mời tham gia phiên giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm phán cũng mời các cơ quan tố tụng tỉnh Long An tham gia.
"Việc Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa cho thấy vai trò, tính chất quan trọng của vụ án mà dư luận quan tâm. Tôi thấy vui mừng khi ngành tòa án và các cơ quan liên quan đã thấy vấn đề của vụ án để nhanh chóng xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm", luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói với Zing.
Chưa áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội?
Theo Điều 388 Bộ luật Tố tụng Hình sự, HĐXX giám đốc thẩm có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
HĐXX cũng có quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, xét xử lại, hoặc đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Trước phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phong cho biết ông sẽ cung cấp thêm nhiều chứng cứ mới để HĐXX xem xét, đánh giá, quyết định khi nghị án đối với 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật bị VKSND Tối cao kháng nghị.
Nói về vụ án này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng với việc xuất hiện chứng cứ mới, HĐXX giám đốc thẩm có thể tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật, chuyển hồ sơ vụ án cho tỉnh Long An điều tra lại nếu chứng cứ này có giá trị thay đổi hoặc ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.
Còn luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ án này có nhiều vi phạm bởi trong quyết định kháng nghị của VKSND Tối cao đã nêu ra hàng loạt sai phạm trong khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.
"Với những sai sót cơ bản, nghiêm trọng nhưng Hồ Duy Hải vẫn chưa được tuyên vô tội thì tôi cho rằng các cơ quan tố tụng trước đó chưa áp dụng chưa triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử. Nếu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thấy có căn cứ bị oan sẽ giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại", luật sư Hùng nêu quan điểm.
Lúc này các cơ quan tố tụng phải làm lại từ đầu. Quá trình điều tra, nếu đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội thì vụ án sẽ đưa ra xét xử. Còn ngược lại, không đủ chứng cứ thì có khả năng sẽ đình chỉ vụ án đối với Hồ Duy Hải và tuyên Hải vô tội. Khi đó, Hồ Duy Hải được quyền yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường do bị bắt, kết tội oan.
Kẻ sát nhân là ai?
"Đây là vụ án đặc biệt của số phận một tử tù cũng rất đặc biệt. Chính vì vậy, TAND Tối cao phải xem xét lại theo một trình tự thủ tục đặc biệt", luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.
Theo luật sư, để chứng minh Hồ Duy Hải không phạm tội thì điểm cốt yếu là chứng minh anh ta ngoại phạm vào đêm xảy ra án mạng 12 năm trước. Ngoài ra, xét dưới góc độ của phía bị hại, nếu Hồ Duy Hải không phạm tội thì ai là người thực hiện hành vi này? Luật sư cho rằng đây là câu hỏi quá khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này.
Một số lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An tham gia vụ án này cách đây hơn 10 năm, như Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó thủ trưởng, Trưởng công an huyện Thủ Thừa đều đã mất do bệnh.
"Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của mẹ Hồ Duy Hải. Theo tôi, tính mạng Hải được giữ cho đến nay có công quá lớn của người mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng làm bà có động lực để liên tục kêu oan cho con hơn 12 năm nay với vô số lá đơn gửi đi", luật sư Trần Bá Học chia sẻ.
Luật sư Học cũng cùng quan điểm về việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể hủy cả hai bản án để trả về điều tra, xét xử lại từ đầu. "Tuy nhiên, nếu trong bản án có nhận định về nội dung theo hướng không đủ chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội thì việc xác định Hải vô tội rõ ràng hơn", luật sư Học nói.
Trước đó, ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình để điều tra lại.
Theo kháng nghị của VKS, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ...