Diêm dân 'vắt nắng' mưu sinh trên đồng muối hơn 200 năm tuổi
Khi nắng bắt đầu 'rót' xuống miền Trung bỏng rát, cánh đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) lại bước vào mùa rộn ràng. Dưới cái nắng như 'rang lửa', hàng trăm diêm dân vẫn cần mẫn mưu sinh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Diêm dân “vắt nắng” mưu sinh trên đồng muối hơn 200 năm tuổi. Video: Nguyễn Ngọc.


Nằm ở duyên hải miền Trung, cánh đồng muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là vựa muối quan trọng và lớn nhất dải đất ven biển Nam Trung Bộ, tổng diện tích khoảng 110ha. Trải qua hơn 200 năm hình thành và tồn tại đã được người dân phát triển thành một làng nghề truyền thống, với giá trị không hề thua kém những làng nghề muối nổi tiếng khác của miền Trung như Cà Ná hay Hòn Khói. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Hiện nay ở cánh đồng muối Sa Huỳnh có khoảng 500 hộ diêm dân thuộc 3 tổ dân phố: Tân Diêm, Long Thạnh 1, Thạnh Đức 1 theo nghề làm muối. Hằng năm, cánh đồng muối Sa Huỳnh cung cấp khoảng 6.500 - 7.000 tấn muối phục vụ cho khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Dưới thời tiết nóng hầm hập như lửa đốt trong những ngày cuối tháng 4, trên cánh đồng muối Sa Huỳnh lấp ló những bóng người dân phơi mình giữa nắng để làm muối. Với diêm dân, mưu sinh dưới cái nắng gay gắt vất vả lại là chuyện bà con mong đợi, vì nắng như đổ lửa là điều kiện thuận lợi để hạt muối nhanh kết tinh. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Để làm ra được một mẻ muối hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, xen lẫn mồ hôi, nước mắt của diêm dân đổ xuống cánh đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Đưa tay quệt những giọt mồ hôi, ông Ngô Tuấn (62 tuổi, có hơn 35 năm trong nghề làm muối ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cho biết, diêm dân ở đây bắt đầu công việc từ sáng sớm. Đầu tiên cho nước biển vào ô, phơi dưới nắng khoảng 2 - 3 ngày để muối kết tinh rồi cào, xúc. Công việc lặp lại đều đặn suốt 3 - 4 tháng mùa khô. Ông Tuấn cho biết thêm: "Công việc này chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng hạt muối kết tinh nhanh và mẻ muối làm ra càng trắng, chất lượng, nếu bất chợt có mưa trong ngày thì coi như bỏ làm lại". Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Đa phần những người lớn tuổi làm việc, bởi các thanh niên trai tráng chọn công việc khác nhẹ nhàng, có thu nhập cao hơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

“Phơi mình giữa nắng từ sáng đến chiều, ai không quen là xỉu liền”, ông Nguyễn Phu (58 tuổi - hơn 30 năm trong nghề làm muối) chia sẻ. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Người dân tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục công việc. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Hiện giá muối dao động từ 1.000 - 1.100 đồng/kg. Cứ 2-3 ngày thu hoạch một lần, mỗi ô cho khoảng 1 tạ muối (100kg) bán được 120.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Muối bắt đầu kết tinh. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Người dân cào muối. Ảnh: Nguyễn Ngọc.



Dù giá muối không ổn định, nhưng diêm dân vẫn cần mẫn làm việc vì ngoài việc mưu sinh, họ vẫn muốn giữ nghề cha ông để lại. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Ông Phu cho biết, dù giá muối bấp bênh, có năm chỉ có giá từ 800 đồng – 1.000 đồng, nhưng diêm dân ở không thể bỏ nghề truyền thống được, cái nghề này đã gắn với ông bà tổ tiên, với cái ăn cái mặc của cả gia đình từ hồi nào tới giờ, nên dù giá có thế nào đi nữa diêm dân vẫn gắn bó. Ảnh: Nguyễn Ngọc.


Ngày 10/12/2024, Bộ VH - TT&DL đã ban hành Quyết định số 3983, công nhận nghề thủ công truyền thống Nghề làm Muối Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Nguyễn Ngọc.