Điểm danh 4 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi vượt 7%
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 7/2024. Bất ngờ có 4 ngân hàng có lãi suất vượt 7,0%/năm.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng
Với các kỳ hạn dài, mức lãi suất đã tăng đáng kể. Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất đạt từ 5,5-6,2%/năm và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Lãi suất PVcomBank hiện ở mức cao nhất thị trường, lên đến 9,5% cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng. Ngân hàng Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm.
Về lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,9-9,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3-7,4%/năm đối với trung và dài hạn.