Điểm danh những vũ khí đầy uy lực phương Tây viện trợ Ukraine
Theo chính phủ Ukraine, các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Kiev 1,5 tỷ USD viện trợ quân sự với những vũ khí hiện đại giữa bối cảnh nguy cơ xung đột với Nga ngày càng gia tăng.
Gần như mỗi ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Resnikov đều đăng tải những bức ảnh mới trên tài khoản Twitter cho thấy những máy bay vận tải lớn chở đầy các thùng chứa vũ khí và đạn dược mà Mỹ và Anh gửi tới Ukraine.
Mục đích của việc này là nâng cao sức mạnh của Ukraine giữa bối cảnh Nga tăng cường lực lượng ở gần biên giới. Theo chính phủ Ukraine, các đối tác phương Tây đã cung cấp cho Kiev 1,5 tỷ USD viện trợ quân sự.
Javelin và NLAW: Các tên lửa chống tăng từ Mỹ và Anh
Trong số những bức ảnh mà ông Resnikov đăng tải trên Twitter có những máy bay chở các tên lửa Javelin và NLAW (tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới) tới Kiev. Như một phần trong cuộc tập trận "Blizzard 2022" chỉ mới bắt đầu, nhiều binh lính Ukraine có thể lần đầu tiên được sử dụng loại vũ khí chống tăng vừa được chuyển tới này. Kích cỡ nhỏ và trọng lượng nhẹ khiến các loại vũ khí trên có tính cơ động cao.
Kể từ năm 2019, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các bệ phóng và tên lửa Javelin. Thông tin về số lượng chính xác rất khác nhau nhưng hàng trăm tên lửa có thể đã được chuyển tới Ukraine chỉ riêng trong mùa thu năm 2021. Chính phủ Mỹ cũng cho phép các nước vùng Baltic vận chuyển tên lửa Javelin từ kho vũ khí của họ tới Ukraine.
Javelin được coi là vũ khí chống tăng tiên tiến nhất thế giới. Nó có thể nhắm vào các mục tiêu như boong ke và xe bọc thép từ hơn 2.000m. Tên lửa Javelin có thể phá hủy các xe tăng hạng nặng.
Các tên lửa NLAW của Anh cũng có sức mạnh tương tự, song có tầm bắn ngắn hơn. Gần đây, London đã cung cấp cho Ukraine khoảng 2.000 tên lửa NLAW.
"Các hệ thống này chính xác là những gì chúng tôi cần nhất. Chúng có thể tích hợp với kho vũ khí của chúng tôi rất dễ dàng và các binh lính có thể học cách sử dụng chúng nhanh chóng. Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công, việc triển khai số lượng lớn các vũ khí trên sẽ rất hiệu quả. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần chúng nhiều hơn", chuyên gia Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Kiev, cơ quan cố vấn cho Tổng thống Ukraine về các vấn đề an ninh, cho hay.
Stinger và GROM: Các tên lửa chống tăng từ Mỹ và Ba Lan
Về phía Ukraine, việc nâng cấp hệ thống phòng không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhưng việc đó hầu như không thể thực hiện trong ngắn hạn, Gustav Gressel - chuyên gia về chính sách an ninh tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Berlin nhận định.
"Chúng ta có thể đặt nhiều hệ thống phòng không phức tạp hơn ở Ukraine, chẳng hạn như hệ thống Patriot hay IRIS-T SL của Đức nhưng việc đào tạo để sử dụng những hệ thống như vậy cần rất nhiều thời gian".
"Tôi cho rằng sẽ phải mất vài tháng để họ có thể vận hành trơn tru những hệ thống này nhưng chúng ta không có vài tháng để làm vậy".
Vì thế, tâm điểm hiện nay tập trung vào hệ thống tên lửa một người vận hành, còn được gọi là Hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai (MANPADS). Các tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất sẽ được chuyển giao cho Ukraine từ Litva trong những ngày tới, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte thông báo. Ngoài ra, Ba Lan cũng đang cung cấp cho Kiev các tên lửa GROM - một vũ khí có thể nhắm vào các máy bay cách xa tới 3 km. Bởi vì quân đội Ukraine cũng có những vũ khí tương tự như vậy trong kho vũ khí của mình nên các yêu cầu huấn luyện với GROM và Stinger sẽ giảm bớt đi.
"Những MANPADS này vô cùng hữu ích bởi chúng khiến cho những cuộc không kích của Nga ít hiệu quả hơn. Nếu triển khai với số lượng lớn, có thể ta sẽ không bắn hạ được từng tiêm tích và trực thăng của Nga nhưng Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu tiến hành một cuộc tấn công", nhà phân tích Bielieskov nhận định.
Bayraktar: Máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ
Ukraine đã mua ít nhất 20 máy bay không người lái Bayraktar TB2 từ một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Các máy bay không người lái này có thể được trang bị các động cơ do Ukraine sản xuất. Máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ được sử dụng cho các hoạt động trinh sát, cũng như có thể được trang bị bom và tên lửa dẫn đường bằng laser. Hồi cuối tháng 10, một máy bay không người lái Bayraktar của Ukraine đã phá hủy một khẩu pháo của lực lượng ly khai ở miền Đông nước này.
Các máy bay không người lái như Bayraktar giúp cho quân đội sử dụng nó có thể khiến đối phương, dù mạnh hơn phải chịu tổn thất. Trong cuộc xung đột năm 2020 giữa Azerbaijan và Armenia, các hệ thống phòng không thời Liên Xô đã cho thấy những hạn chế và không hiệu quả trước các máy bay không người lái hiện đại như Bayraktar. Tuy nhiên, liệu điều này có đúng với những hệ thống phòng không đất đối không mới hơn do Nga sản xuất, chẳng hạn như Panzir S1, hay không thì vẫn cần phải đánh giá.
Các máy bay không người lái Bayraktar cũng sẽ được sử dụng trong cuộc tập trận Blizzard 2022, Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay.
Đạn dược: Ba Lan, Cộng hòa Séc và một số nước khác
Ngoài các tên lửa 1 người vận hành và các thiết bị bảo vệ, những thùng hàng lớn hạ cánh ở sân bay Kiev chủ yếu là đạn dược. Số lượng đạn dược này đến từ các quốc gia khác nhau như Cộng hòa Séc và Ba Lan.
Bên cạnh những nước được đề cập ở trên, những quốc gia NATO như Canada và Pháp cũng cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ năm 2014, Viện SIPRI có trụ sở tại Stockholm cho hay. Trong những tuần gần đây, những đợt vận chuyển vũ khí từ Anh và Mỹ tới Ukraine đã tăng đáng kể. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Resnikov, chỉ riêng Mỹ đã vận chuyển 1.300 tấn vũ khí tới Ukraine./.