Điểm danh những vũ khí hiện đại bậc nhất của phương Tây chuyển tới Ukraine nhằm xoay vần cục diện

Rõ ràng, những vũ khí hiện đại bậc nhất của phương Tây đã và đang giúp Ukraine triển khai các kế hoạch tác chiến trên thực địa.

Kiev đang có trong tay rất nhiều vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất. (Nguồn: AFP)

Kiev đang có trong tay rất nhiều vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất. (Nguồn: AFP)

Khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022, quân đội Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào vũ khí thời Liên Xô (cũ), từ xe tăng, pháo cho đến máy bay chiến đấu. Nhưng đến nay, cùng với hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự đổ vào nước này, Kiev đang có trong tay nhiều vũ khí hiện đại hơn do phương Tây gửi đến và những lợi thế mà chúng có thể mang lại.

Tên lửa tấn công

Sự chú ý đổ dồn vào một bệ phóng tên lửa hiện đại do Mỹ sản xuất đã được gửi đến Ukraine. Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) được cho là mang lại cho lực lượng của Kiev khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn và với độ chính xác cao hơn nhiều so với các hệ thống do Liên Xô thiết kế.

Trong cuộc phản công mùa Thu, HIMARS cung cấp cho quân đội Ukraine khả năng tấn công mục tiêu cách xa tới 80 km (50 dặm) và sau đó có thể nhanh chóng di chuyển - được sử dụng để tấn công các cây cầu gần thành phố Kherson phía Nam, chia cắt quân đội Nga và các tuyến đường tiếp tế của họ.

Sau này, Kiev mong muốn có các tên lửa tầm xa hơn (với tầm bắn lên tới 300 km) và cũng có thể được phóng bởi HIMARS.

Vào tháng 2/2023, Washington đã đồng ý gửi các quả bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có tầm bắn 150 km khi được phóng bởi HIMARS. Vương quốc Anh cũng đã công bố việc chuyển giao các tên lửa hành trình Storm Shadow - có tầm bắn 550 km.

Cả hai vũ khí này đã được triển khai trong chiến đấu, mở rộng phạm vi tấn công của Ukraine.

Phòng không

Trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột, Nga đã tận dụng tối đa tên lửa tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Để chống lại những đòn tấn công yểm hộ đó, phương Tây đã gửi cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot và Avenger.

Với giá 4 triệu USD cho một dàn phóng, tên lửa Patriot tập trung chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tạo điều kiện để các vũ khí đơn giản hơn có thể đối phó với các máy bay không người lái cảm tử giá rẻ, bay chậm của Iran thường được người Nga sử dụng.

Ngay cả với những hệ thống phòng không mới này, Ukraine vẫn phải vật lộn để bảo vệ lãnh thổ của mình trước các cuộc tấn công của Nga.

Nga đã dựa vào các tên lửa hành trình và đạn đạo tầm xa để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine, tránh rủi ro cho các máy bay chiến đấu sau khi mất nhiều chiếc trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Ukraine duy trì lực lượng không quân nhỏ yếu hơn nhiều với các máy bay phản lực Sukhoi và Mig-29 do Liên Xô sản xuất ở khu vực cách xa tiền tuyến và sử dụng chúng để phóng tên lửa từ khoảng cách lớn nhằm giảm thiểu tổn thất.

Ukraine từ lâu đã thúc đẩy phương Tây cung cấp các máy bay phản lực, nhưng việc chuyển giao chúng được dự báo là sẽ không thể diễn ra sớm.

Pháo binh

Từ lâu đã được mệnh danh là “Vua chiến đấu”, các hệ thống pháo binh là chìa khóa trong bất kỳ cuộc xung đột nào, nhất là trong cuộc xung đột ở Ukraine. Quân đội Nga đã thọc sâu vào khu vực phía Nam và phía Đông của Ukraine.

Pháo binh có thể hạ gục các tòa nhà và vũ khí của đối phương từ khoảng cách hợp lý và gây ra sự hỗn loạn đến mức đối phương buộc phải rút lui. Các lực lượng Ukraine đang sử dụng nhiều pháo binh trong các trận chiến xung quanh Zaporizhzhia, nơi bắt đầu cuộc phản công đang diễn ra.

Ukraine có lực lượng pháo binh hùng hậu từ đầu - và giờ đây họ có thêm M777 của Mỹ và pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức, cả hai đều chính xác và mạnh mẽ hơn so với những gì họ đã có trong giai đoạn đầu cuộc xung đột.

Xe tăng và xe bọc thép

Giới phân tích quân sự cho rằng, Ukraine cần "lực lượng tấn công" gồm xe tăng và các phương tiện chiến đấu khác nếu muốn chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Các xe tăng được chuyển giao cho đến nay - bao gồm nhiều mẫu Leopards của Đức và Challengers của Anh – hiện đại hơn so với xe tăng T-64 và T-72 do Liên Xô thiết kế mà Ukraine đã dựa vào khi bắt đầu cuộc xung đột.

Theo Craig Cartier, một nhà phân tích về Liên Xô đã nghỉ hưu của Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm nhận định, các mẫu xe tăng mới có lớp giáp tốt hơn nhiều và có thể tấn công chính xác hơn so với xe tăng của Nga.

Trong khi đó, Mỹ đã gửi xe chiến đấu Bradley, loại xe này có khả năng bảo vệ tốt hơn cho binh lính trên xe và có hỏa lực tốt hơn so với xe bọc thép thời Liên Xô mà Ukraine đã sử dụng.

Tất cả những phương tiện này có thể gây thương vong cao và phá hủy các hệ thống vũ khí khác, khiến chúng trở nên vô cùng quan trọng đối với một cuộc phản công.

(theo Reuters, Apnew.com)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-danh-nhung-vu-khi-hien-dai-bac-nhat-cua-phuong-tay-chuyen-toi-ukraine-nham-xoay-van-cuc-dien-233191.html