Điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Vĩnh Phúc hiện đang hội tụ đủ các yếu tố quan trọng như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ; các cấp chính quyền luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)… Điều này đã tạo sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các DN có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Để ngày càng thu hút được những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, lãnh đạo tỉnh luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN phát triển bền vững.
Thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng chủ động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số.
Ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi địa phương; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng KCN; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài các KCN.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, 8 tháng năm 2022, các KCN trên địa bàn thu hút được 15 dự án FDI mới và 24 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 261 triệu USD; thu hút 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.182 tỷ đồng.
Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 438 dự án, trong đó có 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 24.196 tỷ đồng và 344 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5.653 triệu USD, với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư với thế mạnh về vốn và công nghệ.
Mặc dù số vốn FDI đầu tư trên địa bàn 8 tháng không được như mong đợi nhưng các dự án này đều tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao như sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy, điện tử. Đặc biệt, các dự án này thân thiện với môi trường với những quy trình kiểm soát chặt chẽ, hệ thống xử lý khói bụi, nguồn nước với công nghệ hiện đại…
Ban Quản lý các KCN đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện nay, huyện Bình Xuyên đang là địa phương đang dẫn đầu các huyện, thành phố về số lượng KCN và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 7 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô gần 1.900ha, 1.291 DN đang hoạt động.
Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện Bình Xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để có phương án tối ưu nhất thu hút nhà đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã cấp mới 14 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 208 triệu USD và gần 231 tỷ đồng.
Trong đó, đã cấp mới cho 9 dự án FDI trong KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký 125,5 triệu USD và cấp điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với số vốn tăng hơn 83 triệu USD; cấp mới cho 5 dự án DDI.
Đã thực hiện điều chỉnh giảm vốn đầu tư đăng ký cho 1 dự án DDI (Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ công nghiệp và tự động hóa MT VINA - KCN Bá Thiện II) với tổng vốn đầu tư giảm từ 95,1 tỷ đồng xuống 65,1 tỷ đồng.
Do chủ đầu tư chuyển nhượng một phần diện tích đất thuê trong KCN cho chủ đầu tư khác, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án phù hợp với tài sản gắn liền trên phần diện tích đất thuê còn lại.
Chấm dứt hoạt động cho 5 dự án FDI theo đề nghị của chủ đầu tư. Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 426 dự án, gồm 87 dự án DDI và 339 dự án FDI.
Ở lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có 14 dự án, gồm 3 dự án FDI và 11 dự án DDI. Lĩnh vực công nghiệp có 409 dự án, gồm 333 dự án FDI và 76 dự án DDI.
Các dự án tập trung vào các nhóm ngành chính như sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính; sản xuất hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến các sản phẩm công nghiệp khác. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 3 dự án FDI với số vốn đầu tư 49,2 triệu USD.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã thu hút được 2 dự án có tổng số vốn đầu tư trên 50 triệu USD. Đó là dự án sản xuất kinh doanh ghế Sofa, đệm và trang trí nội thất tại xã Sơn Lôi của DN chế xuất Nitori Việt Nam với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD. Dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD; DN này chuyên gia công các sản phẩm bao bì chất lượng cao.
Nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô là điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Phúc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế đó, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước.
Trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các DN, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của cả nước.