Điểm gắn kết giữa Nga và Trung Quốc

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngoài việc tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, còn gồm nhiều cuộc thảo luận về vấn đề chính trị kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyến thăm này thực sự đã trở thành một sự kiện chính trị mang tính biểu tượng quan trọng.

Theo kết quả bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Nga-Trung giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5,3%, trong khi xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc giảm 9,1%. Sự sụt giảm này một phần là do giá các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga giảm, nhưng dù vậy vẫn cần có những động lực mới và chuyển đổi sang chất lượng mới.

Ví dụ, mặc dù vấn đề thanh toán ngân hàng đang dần được giải quyết, nhưng mối nguy trừng phạt vẫn treo lơ lửng. Các ngân hàng lớn nhất của Nga đã tạo ra một hệ thống thanh toán bù trừ lẫn nhau riêng cho các giao dịch với Trung Quốc nhằm giảm nguy cơ bị phương Tây trừng phạt. Hệ thống này không sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hoặc tài khoản đại lý tại các ngân hàng phương Tây. Nó cho phép thanh toán trực tiếp đến bất kỳ ngân hàng Trung Quốc nào (trong vòng vài ngày), với điều kiện là hàng hóa không phải chịu lệnh trừng phạt và bên đối tác được đăng ký tại một trong 11 tỉnh được chọn của Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang Nga.

Chi phí tối thiểu của dịch vụ China Track này, bao gồm phí và chênh lệch tỷ giá hối đoái, là khoảng 1% đối với hàng nhập khẩu và 0,5% đối với hàng xuất khẩu, so với mức 2-4% bên ngoài hệ thống và lên tới 12% vào thời điểm đỉnh điểm khó khăn vào năm ngoái với khối lượng thương mại song phương kỷ lục 245 tỷ USD, khó khăn thanh toán đã dẫn đến chi phí cao như vậy do các ngân hàng Trung Quốc lo ngại về lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Một vấn đề đáng chú ý của quan hệ kinh tế song phương là mức độ đầu tư lẫn nhau chưa đủ cao. Các đối tác Trung Quốc vẫn còn thận trọng. Thỏa thuận cập nhật về thúc đẩy và bảo vệ lẫn nhau cho các khoản đầu tư, được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích họ.

Sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào những dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đã được thảo luận, đặc biệt có liên quan trong bối cảnh các công ty phương Tây rời đi và Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với một số dự án LNG. Ngày nay, CNPC và Quỹ Con đường tơ lụa của Trung Quốc (SRF) sở hữu 20% và 9,9% trong dự án LNG Yamal, trong khi CNPC và CNOOC của Trung Quốc mỗi bên sở hữu 10% trong dự án LNG Bắc Cực 2, dự án đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Nga đặc biệt nhấn mạnh rằng Nga hoan nghênh việc Trung Quốc thành lập các nhà máy sản xuất ô tô tại Nga. Nga đã trở thành nước nhập khẩu chính những sản phẩm công nghiệp ô tô của Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đang dần vững chân tại Nga. Năm 2024, số lượng công ty có đồng sở hữu là người Trung Quốc tại Nga đã tăng 32% so với năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc trong số các công ty mới đăng ký tăng từ 13% vào năm 2021 lên 34% vào năm 2024, đưa Trung Quốc lên vị trí đầu tiên trong số các công ty nước ngoài tham gia thị trường Nga, vượt gần 1/3 so với số doanh nhân Belarus, từng dẫn đầu vào năm 2023.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, dự án năng lượng quan trọng nhất – đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia-2 đã đạt được tiến triển. Dự án này có khả năng cung cấp tới 50 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm từ Tây Siberia. Hơn nữa, việc cung cấp qua đường ống Sức mạnh Siberia đã đạt đến công suất thiết kế (38 tỷ mét khối). Trung Quốc không muốn nhận thêm khí đốt từ Nga qua Kazakhstan thông qua đường ống dẫn khí đốt đã được lên kế hoạch trước đó, mà nước này cho rằng việc xây dựng quá tốn kém.

Trung Quốc muốn nhận khí đốt qua Mông Cổ thông qua Đường ống Sức mạnh Siberia 2 hoặc dưới dạng LNG. Chiều dài của đường ống là 6.700 km, trong đó 2.600 km sẽ nằm trên lãnh thổ Nga. Trong bối cảnh hợp tác năng lượng với châu Âu không tiến triển, tính cấp thiết của việc “chuyển hướng sang phương Đông” vẫn vô cùng cấp bách.

Tâm Hằng (P/v TTXVN tại Moskva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/diem-gan-ket-giua-nga-va-trung-quoc/373681.html