Tỷ phú từng bị tố hủy hoại giới trẻ, sang Mỹ thành 'đại địa chủ' rồi về nước

TRUNG QUỐC - Từng là tâm điểm chỉ trích của dư luận khi rút khỏi thị trường, mang hàng tỷ NDT sang Mỹ mua đất và dốc túi quyên góp hàng trăm triệu cho các viện nghiên cứu nước ngoài, Trần Thiên Kiều ở tuổi 51 chọn về quê hương cống hiến.

Tỷ phú game ở tuổi 31

Trần Thiên Kiều sinh năm 1973 trong một gia đình nghèo ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Từ đời cha ông, câu nói “nghèo vật chất nhưng không nghèo ý chí" đã trở thành kim chỉ nam cho cả nhà.

Cha Trần Thiên Kiều từng là học sinh xuất sắc, thi đỗ vào đại học ở Hàng Châu và sau đó trở thành kỹ sư làm việc tại Thượng Hải.

Từ nhỏ, ông đã quen với hình ảnh người cha tất bật từ sáng đến tối. Thiên Kiều luôn tin rằng con đường học vấn là chìa khóa để đổi đời. Trong suốt thời gian đi học, ông luôn nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa.

Tỷ phú Trần Thiên Kiều được biết đến với vai trò là người sáng lập Shanda - công ty tiên phong trong lĩnh vực game trực tuyến. Ảnh: Sohu

Tỷ phú Trần Thiên Kiều được biết đến với vai trò là người sáng lập Shanda - công ty tiên phong trong lĩnh vực game trực tuyến. Ảnh: Sohu

Năm 17 tuổi, ông thi đỗ vào Đại học Phúc Đán, một trong những trường danh giá nhất Trung Quốc. Chỉ trong 3 năm, ông hoàn thành toàn bộ chương trình đại học, trở thành một trong số ít sinh viên tốt nghiệp vượt cấp trong lịch sử nhà trường.

Tốt nghiệp đại học, ông cùng một vài người bạn góp được 500.000 NDT, thuê một căn hộ nhỏ ở Phố Đông (Thượng Hải), sáng lập Công ty Phát triển Mạng Shanda vào năm 1999 và tuyên bố sẽ “biến đây thành Disney của Trung Quốc” trong lĩnh vực giải trí kỹ thuật số.

Sau một thời gian thất bại bởi thị trường hoạt hình chưa trưởng thành, ông liều lĩnh chi 300.000 USD để mua độc quyền phát hành tựa game Hàn Quốc Legend of Mir - Truyền Kỳ tại Trung Quốc.

Năm 2002, hơn 90% các máy tính tại các quán net trên khắp Trung Quốc đều cài đặt và chơi Truyền Kỳ. Trần Thiên Kiều phát minh ra mô hình chia lợi nhuận từ thẻ nạp với các chủ net, biến hàng vạn quán net thành "đội quân bán hàng" của mình. Tựa game đã thu hút 60 triệu người chơi, có thời điểm thu về 50 triệu NDT/ngày, đưa Shanda trở thành ông lớn ngành giải trí tương tác Trung Quốc.

Năm 2004, ở tuổi 31, ông trở thành tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc trên bảng xếp hạng Forbes, với tài sản 8,8 tỷ NDT. Cùng năm đó, Shanda niêm yết thành công tại sàn Nasdaq, trở thành công ty Trung Quốc lớn nhất lúc bấy giờ trên sàn chứng khoán Mỹ.

'Đại địa chủ' ở Mỹ và đường về quê hướng

Tuy vậy, sự thành công quá nhanh chóng mang theo hệ lụy. Truyền thông gọi game online là “thuốc phiện tinh thần” và đăng tải những vụ án học sinh sát hại bạn chỉ vì tranh chấp đồ ảo. Các bậc phụ huynh bao vây trụ sở Shanda, tố cáo Thiên Kiều là “thủ phạm hủy hoại thế hệ trẻ”.

Áp lực tâm lý, vị tỷ phú trẻ bán Shanda Games cho Alibaba vào năm 2012, bỏ túi gần 90 tỷ NDT. Ông rời Trung Quốc, sang Singapore rồi định cư tại Mỹ.

Tại đây, Trần Thiên Kiều trở thành một trong những “đại địa chủ” nước ngoài lớn nhất nước Mỹ. Vị tỷ phú công nghệ này sở hữu gần 198.000 mẫu Anh rừng (tương đương 80.172ha) tại bang Oregon, theo Tạp chí The Land Report.

Sau khi đạt được thành công lớn trong ngành game, Trần Thiên Kiều rút lui khỏi thị trường, chuyển hướng đầu tư vào các dự án nghiên cứu về não bộ, đồng thời gia tăng hoạt động đầu tư bất động sản, sở hữu diện tích đất lớn tại Mỹ. Ảnh: Sohu

Sau khi đạt được thành công lớn trong ngành game, Trần Thiên Kiều rút lui khỏi thị trường, chuyển hướng đầu tư vào các dự án nghiên cứu về não bộ, đồng thời gia tăng hoạt động đầu tư bất động sản, sở hữu diện tích đất lớn tại Mỹ. Ảnh: Sohu

Điều này giúp ông đứng thứ 82 trong danh sách các chủ đất lớn nhất Mỹ và đồng thời là người nước ngoài sở hữu đất đai lớn thứ hai tại Mỹ. Không chỉ dừng lại ở đất rừng, Trần Thiên Kiều còn âm thầm thu gom nhiều tài sản khác trên đất Mỹ như tòa nhà Vanderbilt trị giá gần 300 triệu USD hay điền trang Seeley Mudd được định giá khoảng 160 triệu USD.

Tại Canada, ông cũng được cho là sở hữu khoảng 500.000 mẫu đất ở tỉnh Ontario, theo truyền thông Trung Quốc.

Năm 2016, Trần Thiên Kiều và vợ là Lạc Thiên Thiên công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào nghiên cứu khoa học thần kinh. Khoản đóng góp đầu tiên trị giá 115 triệu USD được trao cho Viện Công nghệ California (Caltech) để thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Trần Thiên Kiều - Lạc Thiên Thiên.

Ông giải thích rằng muốn chữa trị căn bệnh của chính mình, đồng thời khẳng định: “Khoa học không có biên giới. Ai làm tốt, tôi tài trợ”.

Năm 2017, ông tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD vào việc thành lập Trung tâm Chuyển giao Công nghệ não bộ (TCCI) tại Thượng Hải.

Từ 2020, Trần Thiên Kiều bắt đầu đầu tư vào các công ty giao diện não-máy (brain-machine interface), cạnh tranh với Elon Musk. Công ty hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ kết nối trực tiếp sóng não và máy tính nhằm giúp người dùng điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ. Công ty của ông cũng có tham vọng phát triển một thiết bị đặc biệt có thể nhận diện và giải mã sóng não của người nói tiếng Trung.

Năm 2022, Thiên Kiều trở về Trung Quốc, hợp tác với Đại học Phục Đán để nghiên cứu trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ cư dân Trung Quốc mạng chế giễu: “Lúc tổ quốc cần thì anh đi. Giờ anh cần tổ quốc, anh quay về”. Trên các diễn đàn, những game thủ thế hệ 8x, 9x vẫn đăng lại ảnh “Đao đồ long” và bình luận: “Ký ức tuổi thơ giờ quay về thành... thiết bị cấy não”.

Giờ đây, ở tuổi 51, Trần Thiên Kiều vẫn chọn sống kín tiếng. Dù các dự án công nghệ não bộ tiên phong của ông tại Trung Quốc đang dần được ghi nhận, nhưng khoảng cách giữa ông và lòng tin của công chúng vẫn chưa thể xóa nhòa.

(Theo Sohu)

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ty-phu-tung-bi-to-huy-hoai-gioi-tre-sang-my-thanh-dai-dia-chu-roi-ve-nuoc-2400442.html