Điểm hẹn cho người yêu văn hóa, nghệ thuật
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình khai mạc chuỗi hoạt động sự kiện tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, quận Hoàn Kiếm tham gia Lễ hội Thiết kế sáng tạo do TP Hà Nội tổ chức, nhằm thực hiện các cam kết của TP Hà Nội trong mạng lưới các TP Sáng tạo của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO).
Các hoạt động hưởng ứng lễ hội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phong phú, đa dạng, bao gồm các không gian triển lãm cùng nhiều chương trình nghệ thuật, giới thiệu tranh Trúc Chỉ, nghệ thuật sơn mài, nghệ thuật con giống bột, nghệ thuật nhân tượng, trình diễn thời trang, biểu diễn âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Là đơn vị đăng cai tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng.
Trong đó nổi bật là trải nghiệm Tuyến tàu “Hành trình di sản” do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức. Theo đó, tuyến tàu hỏa sẽ xuất phát từ Nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại Nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia lễ hội.
Đồng thời, tại Công viên Long Biên sẽ diễn ra các hoạt động sáng tạo nghệ thuật, triển lãm, trưng bày tượng khắc, trưng bày cây cảnh nghệ thuật, đồ gỗ mỹ nghệ…; tiếp nhận các đoàn biểu diễn nghệ thuật về biểu diễn; tổ chức các buổi biểu diễn múa dân vũ, nhảy hiện đại.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp UBND quận Long Biên, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2023 tại đền Trấn Vũ với các hoạt động đặc sắc như: triển lãm “Chung một sợi dây”; tọa đàm “Bảo vệ và phát huy Nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại”; giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi “Kéo co ngồi”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, các hoạt động hưởng ứng được quận Long Biên tổ chức góp phần kết nối và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc trên địa bàn quận gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy; trở thành điểm nhấn của TP nhằm thu hút khách du lịch, các tổ chức đầu tư, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Tại Đông Anh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức triển lãm “Thành Cổ Loa - Từ truyền thuyết đến hiện thực”. Triển lãm gồm 2 chủ đề “Truyền thuyết thành Cổ Loa”, “Thành Cổ Loa ngày nay”.
Triển lãm là những tư liệu, hình ảnh được chắt lọc từ các công trình khoa học, nghiên cứu của các nhà khoa học; sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, nguồn ảnh của Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, các sưu tập ảnh tư nhân... từ đó lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài ra, tại thị xã Sơn Tây cũng trưng bày giới thiệu sản phẩm lưu niệm bằng thủ công mỹ nghệ của thị xã với chủ đề “Sơn Tây miền di sản”; huyện Ba Vì trình diễn trống hội Cổ Đô, trưng bày tranh chủ đề “Em vẽ Cổ Đô”; huyện Đan Phượng tổ chức Festival Nông sản - Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch; huyện Gia Lâm tổ chức Lễ hội hoa giấy Phù Đổng; huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống Phú Xuyên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-hen-cho-nguoi-yeu-van-hoa-nghe-thuat.html