Điểm hẹn giản dị của người yêu sách

Ở một góc yên bình của huyện ngoại thành Đan Phượng, Hà Nội, có thư viện nhỏ mang tên Hạnh phúc. Thư viện được những người yêu sách thành lập. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có chung niềm tin: Sách là cánh cửa mở ra thế giới.

Không chỉ thu hút trẻ em, thư viện còn là không gian yêu thích của các phụ huynh.

Không chỉ thu hút trẻ em, thư viện còn là không gian yêu thích của các phụ huynh.

Chị Lương Thị Hương Thanh ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng là khách thân thuộc của thư viện từ những ngày đầu. “Tôi rất vui khi có thư viện ở ngay khu dân cư. Hai bạn nhỏ nhà tôi vốn yêu thích đọc sách. Tôi thấy rõ sự thay đổi tích cực của các con khi đến thư viện thường xuyên: Viết văn tốt hơn, diễn đạt mạch lạc hơn và có hiểu biết về nhiều lĩnh vực”, chị Thanh chia sẻ.

Với niềm yêu thích lịch sử, em Trần Bảo Quyên, lớp 5, Trường tiểu học Thọ An, háo hức mỗi lần đến thư viện: “Con không chỉ được đọc nhiều quyển sách hay mà còn tham gia những hoạt động bổ ích do các cô chú, anh chị tại thư viện tổ chức. Con thường rủ các bạn cùng tới đọc sách”.

Thư viện Hạnh phúc được chị Trần Thị Ngọc Thúy, anh Nguyễn Văn Biện cùng nhiều người yêu sách thành lập tháng 7/2022. Đạo đức-trí tuệ-nghị lực là ba giá trị cốt lõi các anh chị hướng đến khi thành lập thư viện. Thư viện hiện có 2 địa điểm đọc sách tại xã Thọ An và xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, với hơn 6.500 đầu sách, hơn 80 tình nguyện viên và hơn 2.500 bạn đọc đến làm thẻ.

Là giáo viên dạy lịch sử tại Trường THCS thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, anh Nguyễn Văn Biện, thành viên sáng lập thư viện Hạnh phúc, luôn trăn trở về cách giúp các bạn nhỏ yêu thích tự học, tự tìm tòi tri thức: “Sách vừa là người thầy, vừa là bạn. Nếu có thói quen đọc sách thì đó là một sự tự học tuyệt vời”.

Thư viện Hạnh phúc còn thực hiện nhiều dự án thiện nguyện và bảo vệ môi trường, tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà, thăm hỏi người già neo đơn. “Chúng tôi đang thực hiện dự án xây dựng tủ sách tại các điểm trường vùng cao để mang tri thức đến gần hơn với những em nhỏ ở miền núi xa xôi. Hạnh phúc là khi truyền được cho các em niềm yêu thích với văn hóa đọc”, chị Trần Thị Ngọc Thúy, thành viên sáng lập thư viện Hạnh phúc cho biết.

Nhận thấy những giá trị mà thư viện mang lại, ông Lê Hữu Hòa, Bí thư Chi bộ 2, xã Thọ An thường xuyên ghé qua thư viện và khuyến khích con cháu trong gia đình đến thư viện đọc sách mỗi cuối tuần. “Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm chung tay ủng hộ thư viện, từ đó nhân rộng mô hình đến các địa phương khác”, ông Hòa nói.

Hà Nội hiện có hơn 1.000 thư viện, phòng đọc cơ sở cùng 15 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Đây là mạng lưới quan trọng giúp người dân tiếp cận tri thức một cách thuận tiện và miễn phí. Thạc sĩ Kiều Thúy Nga (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá thư viện Hạnh phúc và những thư viện cộng đồng khác đóng vai trò quan trọng nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập.

Đặc biệt, với nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người lao động, những thư viện cộng đồng như thế này trở thành điểm đến quen thuộc để tìm kiếm thông tin, mở rộng hiểu biết, thư giãn tinh thần, giúp khơi dậy niềm đam mê sách trong các tầng lớp nhân dân.

Cũng theo bà Kiều Thúy Nga, để phát triển, duy trì hoạt động mạng lưới thư viện cộng đồng hiệu quả, cần có sự bảo đảm về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, hoạt động sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng và ứng dụng công nghệ số.

Bài và ảnh: THÚY NGA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-hen-gian-di-cua-nguoi-yeu-sach-post871544.html