Duyệt binh, diễu binh, diễu hành khác nhau thế nào?
Không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa duyệt binh, diễu binh và diễu hành, rất nhiều người nhầm lẫn những khái niệm này.
Từ khi nước Việt Nam giành được độc lập đến nay, đã những cuộc duyệt binh quy mô lớn cùng nhiều cuộc diễu binh và diễu hành vào các dịp chẵn kỷ niệm Quốc khánh hoặc các sự kiện lịch sử quan trọng. Duyệt binh, diễu binh, diễu hành khác nhau thế nào là điều mà nhiều người vẫn còn mơ hồ.
Phân biệt duyệt binh, diễu binh, diễu hành
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, duyệt binh là kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng. Lễ duyệt binh thường gắn với sự xuất hiện của các quân, binh chủng và các loại khí tài quân sự.

Các chiến sỹ tập luyện cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. (Ảnh: Lương Ý)
Còn diễu binh được hiểu là lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh. Trong khi đó, diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh.
Như vậy, duyệt binh phần lớn liên quan tới quân sự với sự xuất hiện của các quân binh chủng và thiết bị chiến đấu hiện đại. Đây cũng là dịp để các quốc gia "ra mắt" các loại vũ khí, thiết bị chiến đấu hiện đại trước công chúng và thế giới, khẳng định sức mạnh và tiềm lực quân sự của mình.
Trong khi đó, diễu binh chủ yếu thể hiện sức mạnh về lực lượng vũ trang mà không đặc biệt nhấn mạnh vào vũ khí hay trang bị. Còn diễu hành được áp dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, mang tính biểu dương sức mạnh của cộng đồng và xã hội, với mục đích đa dạng hơn.
Việc phân biệt rõ ràng các khái niệm này không chỉ giúp chúng ta hiểu đúng và đủ về các hoạt động mà còn mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của từng dịp lễ hay sự kiện mang tầm quốc gia.
Những cuộc duyệt binh lịch sử
Cuộc duyệt binh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 1/1/1955, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta. Buổi lễ này chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ khi trở về Thủ đô sau khi Hà Nội được giải phóng.
Điều đặc biệt trong cuộc duyệt binh này chính là việc sử dụng các chiến lợi phẩm quân sự thu được trong chiến đấu. Sự kiện lịch sử này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn làm điểm nhấn trong phần kết của hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử: "Ngày 1/1/1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội, Bác Hồ gặp lại đồng bào ở quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm trước Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Nụ cười của Bác Hồ trên lễ đài sẽ sáng mãi trong trang sử mới của Hà Nội nối tiếp Đông Đô, Thăng Long xưa.
Chúng ta đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn đầu tiên ở Hà Nội, một cuộc duyệt binh bộ đội, dân quân du kích chỉ mang theo toàn vũ khí của Pháp và Mỹ, từ vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đến các phương tiện thông tin đều là chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 2 từ trái sang) cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra mắt quốc dân đồng bào trong buổi lễ tại quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955. (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh phim tư liệu về lễ duyệt binh ngày 1/1/1955. (Ảnh: VTV)
Ngày 1/51973, tại quảng trường Ba Đình, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức lễ duyệt binh trọng thể để chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấm dứt sự chiếm đóng của các đội quân xâm lược nước ngoài sau khi Hiệp định Paris đã được ký kết.
Ngày 15/5/1975, một cuộc duyệt binh được tổ chức tại TP.HCM để mừng miền Nam giải phóng hoàn toàn. Đây là lễ kỷ niệm quy mô lớn nhất được tổ chức ở miền Nam nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kể từ khi Pháp tái chiếm Nam Bộ tháng 9/1945. Sự kiện này có sự tham gia của các lực lượng vũ trang cùng với vũ khí và phương tiện quân sự hiện đại, thể hiện sức mạnh và uy lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cuộc duyệt binh gần đây nhất diễn ra cách đây 30 năm, vào ngày 2/9/1985, kỷ niệm 40 năm Quốc khánh. Lần này, nhiều quân chủng, binh chủng và các loại khí tài quân sự đã tham gia, thể hiện sự phát triển vượt bậc của lực lượng quốc phòng. Theo tư liệu trong sách Lịch sử Không quân, Không quân Việt Nam đã quyết định sử dụng một lượng lớn máy bay tham gia lễ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình.
Các cuộc duyệt binh lớn thường diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM, không chỉ mang mục đích biểu dương sức mạnh của lực lượng vũ trang mà còn là cơ hội để các loại vũ khí, phương tiện quân sự như máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa được trình diễn trước toàn dân.
Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Ngày 30/4 tới, tại TP.HCM sẽ có sự kiện diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sau khi đi qua Hội trường Thống Nhất, lực lượng diễu binh, diễu hành chia làm 4 hướng và di chuyển về điểm tập kết. Các tuyến đường đoàn đi qua đều có màn hình LED cỡ lớn giúp người dân dễ dàng theo dõi.

Buổi hợp luyện chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước. (Ảnh: Lương Ý)
Bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4, các lực lượng sẽ xuất phát từ phía giao lộ đường Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm, di chuyển qua lễ đài chính phía trước Hội trường Thống Nhất. Kết thúc lịch trình này, các lực lượng sẽ chia ra 4 hướng di chuyển về điểm tập kết.
Hướng 1: Sau khi qua Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển theo lộ trình đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Thị Nghĩa - Ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương - Cách Mạng Tháng 8. Các lực lượng tại hướng này sẽ tập kết ở Công viên Tao Đàn.
Hướng 2: Sau khi qua Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển theo hướng Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Vòng xoay Mê Linh. Các lực lượng ở hướng này tập kết tại Bến Bạch Đằng.
Hướng 3: Sau khi qua Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển theo lộ trình đường Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng. Các lực lượng ở hướng này tập kết tại Sân vận động Hoa Lư.
Hướng 4: Sau khi qua Hội trường Thống Nhất, các lực lượng di chuyển theo lộ trình đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hai Bà Trưng. Các lực lượng ở hướng này tập kết tại Công viên Lê Văn Tám.
Ngoài việc theo dõi trực tiếp trên đường, người dân dự lễ kỷ niệm tại khu vực trung tâm có thể theo dõi diễu binh, diễu hành qua 20 màn hình lớn. Bên cạnh đó, người dân có thể theo dõi lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành trên các sóng truyền hình, các nền tảng mạng xã hội
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/duyet-binh-dieu-binh-dieu-hanh-khac-nhau-the-nao-ar937790.html