Điểm khác biệt gây sốc trong não những kẻ giết người hàng loạt

Trong số các tù nhân khoảng 20% là những kẻ thái nhân cách. Đến tuổi 40 những kẻ giết người hàng loạt này phạm trung bình bốn tội ác man rợ. Trong 3 năm sau khi ra tù, khoảng 80% trong số đó trở thành kẻ tái phạm.

Các nhà khoa học cố gắng khám phá ra điểm khác biệt trong bộ não của chúng so với những người bình thường, và điều gì khiến một người bình thường thành kẻ giết người hàng loạt.

Thiếu chất xám và chất trắng

Nhà thần kinh học người Mỹ James Fallon đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ bộ não của những kẻ tâm thần và kẻ giết người man rợ nhất bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI. Ông lưu ý rằng, khác với những người khỏe mạnh, vỏ não quỹ đạo của những kẻ thái nhân cách ít hoạt động. Vỏ não quỹ đạo chứa chất xám phía trên vòm mắt chịu trách nhiệm về các kỹ năng sinh hoạt, đạo đức, đưa ra quyết định, kiểm soát các cơn bốc đồng và hung hăng.

Nhưng, đây không phải là yếu tố duy nhất khiến người bình thường thành kẻ giết người hàng loạt. Yếu tố quyết định là chấn thương tinh thần, ký ức về bạo lực trong thời thơ ấu, nhà khoa học tin tưởng.

Một ví dụ về điều này là bản thân ông James Fallon. Trong cuốn sách “The Psychopath Inside” nói về hành trình cá nhân của một nhà thần kinh học vào mặt tối của bộ não, ông thừa nhận: "trong gia đình ông đã từng có những kẻ giết người trong quá khứ xa xôi, vì vậy ông ta đã thực hiện những nghiên cứu về bản thân và những người thân. Hóa ra, bộ não của ông giống với bộ não của những kẻ giết người hàng loạt, cũng có khuynh hướng gây bạo lực. Tuy nhiên, thời thơ ấu của nhà khoa học đã là rất hạnh phúc, ông không phải chịu bạo lực, áp lực tâm lý".

 Chấn thương tinh thần là một trong những yếu tố biến một người bình thưởng trở thành kẻ giết người hàng loạt.

Chấn thương tinh thần là một trong những yếu tố biến một người bình thưởng trở thành kẻ giết người hàng loạt.

Các cuộc nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng, những kẻ thái nhân cách phản ứng kém với những bức ảnh thường gây ra cảm giác mãnh liệt. Có một giả thuyết cho rằng, những người này có amidan kém phát triển - những vùng nhỏ trong chất trắng của bộ não, nơi thông tin về cảm xúc được xử lý. Năm 2001, nhà khoa học thần kinh Kent Kiehl ở ĐH New Mexico đã xác nhận giả định này bằng phương pháp quét não fMRI.

Kiehl và các đồng nghiệp của ông đã ứng dụng fMRI để nghiên cứu bộ não của 903 tù nhân tâm thần. Trong một bài báo được đăng tải vào tháng 3 năm nay, các nhà khoa học lưu ý không chỉ đến việc các phần não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc hoạt động kém, mà còn đến kết nối thần kinh yếu giữa các phần não bộ kiểm soát những cảm xúc như đồng cảm, cảm giác tội lỗi, sợ hãi, lo lắng. Có các đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng - chủ nghĩa vị kỷ, nhẫn tâm, tàn nhẫn. Bộ não của các tù nhân với những đặc điểm này rõ ràng vốn có các dị thường cấu trúc.

Thẻ thần kinh của kẻ giết người hàng loạt

Trong dân số thế giới những kẻ thái nhân cách chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng, tỷ lệ những kẻ giết người-hiếp dâm trong số đó là cao hơn nhiều. Ngoài ra, những kẻ này có xu hướng phạm tội nhiều lần.

Trong số những tên hiếp dâm - giết người hàng loạt hầu hết là những kẻ thái nhân cách. Chúng nhận thức rõ về những gì chúng đang làm, nhận thức rõ tình hình thực tế. Một số kẻ giết người hành động bốc đồng khi có cơ hội, những người khác lên kế hoạch, truy tìm nạn nhân, che giấu dấu vết. Chúng bắt chước hành vi của một thành viên bình thường trong xã hội, đôi khi chúng có gia đình, có con, chẳng hạn như Andrei Chikatilo, một trong những kẻ giết người hàng loạt man rợ nhất và được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới.

 Andrei Chikatilo - kẻ giết người hàng loạt man rợ.

Andrei Chikatilo - kẻ giết người hàng loạt man rợ.

Những kẻ giết người hàng loạt thường có trí thông minh, nhưng hoàn toàn không có kết nối cảm xúc với những người khác. Chúng thường mắc chứng rối loạn nhân cách tự ái, biết điều khiển những người khác và có khuynh hướng gây bạo lực. Chúng giết người vì thích điều đó và không có cảm giác tội lỗi và hối hận.

Người ta cho rằng, bộ não của những kẻ giết người hàng loạt có những thay đổi hữu cơ. Ví dụ, các nhà nghiên cứu từ Đại học California so sánh kẻ giết người hàng loạt với người mắc bệnh động kinh: sự gia tăng hoạt động thần kinh trong bộ não của người mắc bệnh này dẫn đến cơn động kinh, và trong trường hợp với người bị bệnh tâm thần dẫn đến vụ giết người.

Sau khi xây dựng mô hình thần kinh toán học của não Chikatilo, các nhà khoa học đã tạo ra công thức toán học "Cầu thang Ma quỷ" - biểu đồ về số vụ giết người theo thời gian, từ đó thấy rõ ràng, những hành vi điên cuồng ngày càng tăng, còn khoảng cách giữa các tội ác được rút ngắn.

Nhà khoa học Philip Chassy từ Đại học Liverpool Hope (Anh) cho rằng, kế hoạch hành động nhất định để đáp ứng những tưởng tượng tình dục gây ra sự bùng nổ cảm xúc mạnh mẽ được mã hóa trong não bộ của kẻ giết người hàng loạt - và kẻ điên chờ đợi vụ này như một phần thưởng.

Được biết, những tên tội phạm biết cách đánh lừa máy Polygraph phát hiện nói dối, chúng có thể triệt tiêu các dấu hiệu kích thích bên ngoài: nhịp tim, dẫn truyền qua da. Nhưng, chúng không có khả năng kiểm soát hoạt động của não, ông Chassy lưu ý, vì vậy phương pháp quét não có thể tiết lộ "thẻ thần kinh" của kẻ giết người hàng loạt - đồng thời kích thích các vùng não với trí nhớ tự truyện điều chỉnh khoái cảm tình dục, săn bắt con mồi và kiểm soát cảm xúc.

Yếu tố Breivik

Không phải tất cả những kẻ thái nhân cách hay nạn nhân của bạo lực trong thời thơ ấu đều trở thành những kẻ giết người hàng loạt. Còn có một số yếu tố khác dẫn đến hậu quả bi thảm cho cá nhân và xã hội. Các nhà khoa học từ Anh và Thụy Điển cho rằng, đây có thể là những chấn thương ở đầu, những rối loạn thần kinh và tâm thần khác nhau, ví dụ, rối loạn phổ tự kỷ.

Mối liên hệ giữa tự kỷ và khuynh hướng tội phạm đang được nghiên cứu tích cực sau vụ thảm sát do Anders Breivik gây ra trong năm 2011, một công dân khá thịnh vượng. Một số nhà tâm lý học cho rằng, Breivik có những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Asperger. Không giống như tự kỷ, người với hội chứng Asperger vẫn có trí thông minh.

 Sát thủ Anders Breivik.

Sát thủ Anders Breivik.

Các chuyên gia đã phân tích hồ sơ của 239 kẻ giết người man rợ đã bị bắt giữ sau năm 1985, kể cả 48 kẻ tái phạm và 58 kẻ giết người hàng loạt. Trong số đó chỉ có 10% người bị rối loạn phổ tự kỷ và 10% người bị chấn thương đầu. Theo các tác giả của cuộc nghiên cứu, những yếu tố đó có thể đóng một vai trò nhất định trong quá trình hình thành kẻ tội phạm, nhưng, chỉ khi kết hợp với các nguyên nhân xã hội và sinh học.

Các công việc nghiên cứu những kẻ giết người hàng loạt đang ở giai đoạn đầu, nhưng, các nhà khoa học đã thu thập nhiều thông tin. Rõ ràng là hiện tượng này không thể được giải thích chỉ bằng một yếu tố: rối loạn phát triển tâm thần, chấn thương não, ký ức về bạo lực trong thời thơ ấu hoặc yếu tố di truyền, ví dụ, bởi việc sở hữu “gene chiến binh” MAOA có liên quan đến tội phạm bạo lực ở nam giới. Nguyên nhân và hậu quả vẫn chưa rõ - rối loạn phát triển não dẫn đến hành vi bạo lực hoặc ngược lại, các yếu tố xã hội, gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành các bộ phận não. Nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp xác định những cá nhân có xu hướng trở thành kẻ giết người hàng loạt để ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội.

Theo Khoa học TV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/diem-khac-biet-gay-soc-trong-nao-nhung-ke-giet-nguoi-hang-loat-1282801.html