Điểm lại phản ứng của các nước vừa nhận thư cảnh báo thuế quan từ Tổng thống Trump
Hàng chục đối tác thương mại của Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho ngày 1/8 - thời hạn mới mà khi đó các mức thuế quan cao áp lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 8/7, trong nhiều tháng qua, các quốc gia đã tìm cách đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ để tránh các mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 4. Cho đến nay, chỉ có Trung Quốc, Anh và Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận này với phạm vi và mức độ khác nhau.
Ngày 7/7, ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực khi gửi thư tới nguyên thủ của 14 quốc gia, thông báo về mức thuế mới mà trong một số trường hợp còn cao hơn mức từng công bố hồi tháng 4.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Trump cũng đưa ra một khoảng thời gian tạm hoãn ngắn khi lùi thời điểm thực thi các mức thuế đối ứng từ ngày 9/7 sang 1/8 đối với tất cả các quốc gia, trừ Trung Quốc.
Các quốc gia đã phản ứng sau khi nhận được thư của Tổng thống Trump.
Hàn Quốc
Tổng thống Trump cảnh báo sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa Hàn Quốc vào ngày này. Theo các bức thư ông đăng trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, mức thuế có thể được điều chỉnh, tăng hoặc giảm.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc cho biết sẽ tăng tốc đàm phán thương mại với Mỹ trước thời hạn 1/8. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, mục tiêu là tăng tốc đàm phán để đạt được kết quả hai bên cùng có lợi trong thời gian còn lại của năm 2025, nhằm nhanh chóng giải quyết những bất ổn do thuế gây ra.
Bộ này nói thêm sẽ xem xét thặng dư thương mại với Mỹ và hướng tới bước tiến vượt bậc thông qua quan hệ đối tác để phục hưng ngành sản xuất giữa hai nước.
Trước đó, bộ này cũng đã bắt đầu trao đổi với Mỹ từ khi chính phủ mới của Hàn Quốc thành lập hồi đầu tháng 6, nhưng trên thực tế, không đủ thời gian để đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề.
Nhật Bản
Sáng 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã triệu tập một lực lượng đặc nhiệm toàn diện gồm toàn bộ các bộ trưởng nội các.
Ông Ishiba cho biết ông mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận sớm với Mỹ đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Dù đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc và chân thành, nhưng Nhật Bản vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ vì còn nhiều vấn đề tồn tại. Ông Ishiba nói: “Chúng tôi vô cùng tiếc rằng chính phủ Mỹ đã áp thêm thuế và công bố kế hoạch tăng thuế suất”. Tuy nhiên, ông không cảnh báo trả đũa Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
Nam Phi
Ngày 7/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa chỉ trích khi Mỹ đơn phương áp đặt mức thuế mới 30% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của nước này.
Trong một tuyên bố, ông Ramaphosa nói rằng mức thuế đối ứng không dựa trên dữ liệu thương mại chính xác, đồng thời lưu ý rằng 77% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Nam Phi hiện không phải chịu thuế.
Ông Ramaphosa nói: “Nam Phi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới quan hệ thương mại cân bằng và đôi bên cùng có lợi với Mỹ”.
Ông cũng thông báo Nam Phi đã đề xuất một khung thỏa thuận thương mại với Mỹ vào ngày 20/5. Theo đó, thỏa thuận khung này giải quyết những vấn đề ban đầu Mỹ nêu ra, bao gồm thặng dư thương mại của Nam Phi, các hành vi thương mại không công bằng và việc Mỹ không đối xử có đi có lại trong quan hệ thương mại với Nam Phi.
Thái Lan
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira bày tỏ lạc quan về việc đảm bảo mức thuế suất thấp hơn mức thuế 36% mà Tổng thống Trump áp với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, dựa trên đề xuất mới nhất từ Bangkok giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết hàng hóa của Mỹ xuống 0%.
Phát biển trên một kênh truyền hình địa phương, ông Pichai bày tỏ hy vọng Thái Lan sẽ kết thúc các cuộc đàm phán thương mại trước thời hạn ngày 1/8 do Mỹ đặt ra, đồng thời cho biết Tổng thống Mỹ đã áp mức thuế đối với Thái Lan mà không tính đến các đề xuất sửa đổi của nước này nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường thông qua xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với một số hàng hóa.
Trong một nỗ lực vào phút chót để tránh mức thuế trừng phạt, Thái Lan đệ trình một đề xuất sửa đổi với phía Mỹ vào hôm 6/7 để gia tăng khối lượng thương mại song phương và giảm 70% thặng dư thương mại 46 tỷ USD của mình trong 5 năm. Các đề xuất bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng nông sản và công nghiệp của Mỹ, cũng như tăng mua năng lượng và máy bay Boeing.
Ông Pichai cho biết đề xuất mới nhất của Thái Lan là một thỏa thuận tốt cho Mỹ và Thái Lan sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với 90% sản phẩm của Mỹ, đồng thời nói thêm rằng ông bất ngờ khi lá thư mà Tổng thống Mỹ công bố ngày 8/7 vẫn giữ nguyên mức thuế 36% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
Malaysia
Sau khi Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim bất ngờ nhận thông báo về mức thuế 25% áp lên hàng hóa xuất sang Mỹ, Malaysia cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại công bằng và cân bằng.
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã biết về quyết định của Mỹ, đồng thời nhấn cần duy trì quan hệ hợp tác mang tính xây dựng.
Malaysia khẳng định coi trọng mối quan hệ kinh tế lâu dài với Mỹ và tin rằng thương mại cởi mở, công bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho cả hai nước.
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia tái khẳng định cam kết theo đuổi các cuộc thảo luận thiện chí nhằm giải quyết các vấn đề thương mại và kết thúc đàm phán trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Bộ này cho biết: “Những nỗ lực này vẫn đang tiếp tục và thể hiện thiện chí của Malaysia trong đạt được kết quả công bằng, bền vững cho cả hai bên”.