Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/7
Tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng, chỉ số VN-Index tăng 6,45 điểm hay 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 31/7.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 31/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.248 VND/USD, giảm 37 đồng so với phiên 30/7.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.630 VND/USD và 25.730 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 31/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,05 - 0,21 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 4,47%; 1 tuần 4,68%; 2 tuần 4,82% và 1 tháng 4,95%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, giao dịch tại: qua đêm 5,31%; 1 tuần 5,35%; 2 tuần 5,40%, 1 tháng 5,44%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở kỳ hạn 5 năm trong khi giảm ở kỳ hạn 10 năm và không thay đổi các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,91%; 5 năm 1,97%; 7 năm 2,30%; 10 năm 2,80%; 15 năm 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 3.663,42 tỷ đồng trúng thầu, có 13.063,08 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 22.050 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 11.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 20.249,66 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 80.050 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 42.917,91 tỷ.
Thị trường trái phiếu ngày 31/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 5.020 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 44%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 3.950 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, 30 năm huy động được 70 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,94% (+0,09 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,76% (không đổi), 30 năm là 3,10% (không đổi).
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua chao đảo khá mạnh, tuy nhiên các cổ phiếu blue-chips ổn định giúp VN-Index kết phiên trong sắc xanh. Chốt phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,45 điểm (+0,52%), lên mức 1.251,51 điểm; HNX-Index mất 0,51 điểm (-0,22%) xuống 235,36 điểm; UPCoM-Index rớt 0,18 điểm (-0,18%) còn 95,07 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch đạt trên 19.200 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 650 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng Bảy. Trong cuộc họp ngày hôm qua, Fed nhận định các hoạt động kinh tế Mỹ vẫn mở rộng một cách vững chắc. Số việc làm tăng lên ở tốc độ vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhưng vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, lạm phát đã hạ nhiệt trong một năm vừa qua nhưng phần nào đó vẫn ở mức cao. Những tháng gần đây đã có thêm một số tiến bộ trong việc hướng lạm phát về mức mục tiêu. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) vẫn theo đuổi mục tiêu toàn dụng nhân công và đạt được lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. FOMC cũng đánh giá rủi ro trong quá trình đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đang trở nên cân bằng hơn. Triển vọng kinh tế là không chắc chắn và FOMC sẽ chú ý tới rủi ro ở cả hai bên trong nhiệm vụ kép của mình.
Theo đó, FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp này ở mức 5,25 - 5,50%. FOMC khẳng định sẽ đánh giá cẩn trọng các dữ liệu sắp tới, đồng thời cho rằng việc giảm lãi suất chính sách sẽ phù hợp khi FOMC có niềm tin vững chắc hơn rằng lạm phát đang tiến tới 2,0% một cách bền vững.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Eurozone tăng lên 2,6% so với cùng kỳ trong tháng Bảy, trái với dự báo đi ngang ở 2,5% như kết quả thống kê tháng Sáu. Bên cạnh đó, CPI toàn phần của khu vực này đi ngang ở mức 2,9% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, trái với dự báo hạ nhiệt nhẹ còn 2,8%.
Trong cuộc họp diễn ra ngày hôm qua 31/7, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất và vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát sẽ ở quanh 2,0% trong năm nay cho tới tài khóa 2026.
Bên cạnh đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2024 Nhật Bản được nhận định có thể tăng khoảng 0,5% - 0,7%, thấp hơn so với dự báo tháng 4 ở mức 0,7% - 1,0%. Về chính sách tiền tệ, BoJ quyết định nâng lãi suất chính sách (lãi suất tiền gửi tại BoJ kỳ hạn qua đêm) lên mức 0,25%, tăng 15 đcb so với trước.
Ngoài ra, BoJ cũng thông báo sẽ thu hẹp dần quy mô thu mua trái phiếu chính phủ từ mức 6 nghìn tỷ JPY/tháng, mục tiêu đến quý I/2026 chỉ còn mức 3 nghìn tỷ/tháng. Đây là lần thứ hai trong năm nay BoJ nâng lãi suất. Hồi tháng Ba, cơ quan này nâng lãi suất chính sách lên 0,1%, chấm dứt thời kỳ lãi suất âm bắt đầu áp dụng từ năm 2016.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-317-154156-154156.html