Điểm liệt, đáng sợ nhưng không đáng lo

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023 toàn quốc có trên 650 thí sinh trượt tốt nghiệp vì điểm liệt. Đáng tiếc, nhiều em có điểm thi ở các môn khá cao, nhưng không đủ điều kiện vào đại học.

 Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi

Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi

Các nhà chuyên môn đã nêu nhiều lý do, tựu trung, các em bị điểm liệt vẫn là do tình trạng học lệch, chỉ tập trung thời gian cho các môn xét tuyển đại học, xem nhẹ các môn còn lại. Cũng có thí sinh không làm đúng câu nào hoặc vi phạm quy chế thi… Nguyên nhân nào cũng bắt nguồn từ việc thí sinh không nắm được kiến thức cơ bản.

Nhiều người bắt đầu trăn trở, ngẫm suy về chất lượng dạy học ở các trường phổ thông. Bởi, điều kiện tối thiểu là học sinh phải đạt học lực trung bình mới được dự thi tốt nghiệp, vậy sao vẫn còn hàng trăm điểm liệt? Trong khi đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là kiến thức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, phần vận dụng cao để phân hóa đối tượng trong mỗi đề thi chiếm tỷ lệ rất ít.

Thừa Thiên Huế là địa phương có tỷ lệ điểm liệt thấp nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 6 em. Không ngạc nhiên về điều này, vì trước mùa thi ngành giáo dục cũng đã có sẵn một Đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT với nhiều giải pháp đặt ra hướng đến cải thiện vị trí của giáo dục đại trà. Ngay trước mùa thi, hầu hết các trường đều có kế hoạch kèm cặp học sinh yếu, gọi nôm na là thành lập những tổ chống điểm liệt.

Một hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn TP. Huế chia sẻ, đầu vào của trường thấp nên kết quả khảo sát đầu vào khiến ông lo sốt vó khi có đến đến 80/437 em bị điểm liệt ở hai môn toán và ngoại ngữ. Thế nên, ngay từ lớp 10, giáo viên đã tập trung dạy đúng đối tượng, nghĩa là, mỗi môn có khoảng 5 – 10 học sinh/lớp cần phụ đạo để tránh bị điểm liệt với môn học đó.

Điểm mới của các trường, dạy phụ đạo cho học sinh được các trường tổ chức linh hoạt. Những học sinh có sức học yếu được các trường ôn tập đặc biệt và dò bài sau tiết học. Nhiều trường, thầy hiệu trưởng, giáo viên giỏi đảm nhận các môn học chính và dạy phụ đạo cho học sinh yếu. Quan điểm của các trường, không nhồi nhét kiến thức mà ôn tập cho các em với tinh thần thoải mái nhất, giúp các em tự tin vào khả năng của mình để giải quyết yêu cầu của đề thi. Một số trường đã thành lập tổ giáo viên, phối hợp với gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em cũng như củng cố kiến thức, hỗ trợ các em ôn thi tốt khi mùa thi cận kề.

Học sinh bị điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các năm tiếp theo sẽ được hạ thấp. Hiệu trưởng các trường khẳng định như "định đóng cột". Đây là năm đầu tiên toàn tỉnh (trừ hai huyện Nam Đông và A Lưới) tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển vào lớp 10. Cuộc thi cũng có hàng trăm điểm liệt không trúng tuyển ở các trường THPT, trong đó, có rất nhiều em bị điểm 0 môn toán. Nếu như chỉ xét học bạ như trước đây, các em này vẫn đủ điều kiện vào lớp 10 và lúc này chất lượng tốt nghiệp THPT mới thực sự quan ngại.

Tuyển sinh lớp 10 theo phương án mới cũng là một trong những mục tiêu để “đầu vào” chất lượng và “đầu ra” hiệu quả. Thiết nghĩ, điểm liệt thực sự đáng lo nhưng không đáng sợ, nếu các trường có kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp học sinh yếu kém và bản thân các em biết nỗ lực vươn lên…

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/diem-liet-dang-so-nhung-khong-dang-lo-130514.html