Điểm mới quan trọng tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đối tượng áp dụng; Tăng trích lập Quỹ đầu tư phát triển; Phân công rõ, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp… là những điểm mới quan trọng tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước cho doanh nghiệp.
Sau quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đã phát sinh nhiều vướng mắc và cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.
Xác định đây là đạo luật có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính đã nhanh chóng thành lập Ban soạn thảo và nỗ lực, cố gắng thiết kế dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.
Chia sẻ dưới góc nhìn chuyên gia về một số điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13, TS. Phạm Phan Dũng nhận định, điểm đổi mới căn bản khi sửa luật lần này là Nhà nước không quản lý về pháp nhân doanh nghiệp mà chỉ quản lý dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Điều này thể hiện sẽ thay đổi lớn về tư duy, nhận thức của nhà quản lý. Vị chuyên gia bày tỏ mong muốn rằng các đối tượng thụ hưởng của Luật sẽ nhận thức rất rõ về nội dung này.
Dưới góc độ doanh nghiệp nhà nước, ông Tô Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông khẳng định, các nội dung trong Dự thảo không chỉ giúp cởi trói mạnh mẽ, cải cách thủ tục hành chính mà còn tách bạch rõ chức năng quản lý chủ sở hữu đảm bảo các quyền của nhà đầu vốn, góp vốn vào doanh nghiệp; đảm bảo phân công, phân cấp mạnh…
Điểm mới căn bản còn thể hiện sự phân công rõ ràng, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.
“Sự phân công, phân cấp này cũng thể hiện tư duy rất mới trong xây dựng luật. Phân công rõ ràng ở chỗ là giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước, tức là quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện, chứ không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Phân cấp mạnh là ở chỗ Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Cụ thể là Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn của F1, từ F2 trở đi thì F1 quản lý, F2 sẽ quản lý F3…”, TS. Phạm Phan Dũng làm rõ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, từ trước đến nay việc phân phối lợi nhuận sau thuế được quy định tương đối chặt chẽ, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Trong dự thảo Luật lần này, Ban soạn thảo đã đưa ra 3 phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, giúp doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể: Phương án 1 là trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; Phương án 2 là trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; Phương án 3 là để lại 100% lợi nhuận sau thuế.
Điểm mới này theo TS. Phạm Phan Dũng là rất thuận lợi. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã làm việc này từ rất lâu, do đó hướng sửa đổi luật lần này thực sự là rất tích cực, từ đó đem lại sự chủ động cho doanh nghiệp.
Một điểm mới nữa được TS. Phạm Phan Dũng cũng như các đại diện doanh nghiệp rất quan tâm chính là đối tượng thụ hưởng. Luật hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, với lần sửa đổi luật này, Ban soạn thảo đã xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”.
Sự thay đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.
Trước ý kiến của các thành viên Chính phủ đề nghị xác định “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, việc xác định như vậy sẽ dẫn đến các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dưới 100% vốn điều lệ sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Từ đó, tạo ra khoảng trống pháp lý, không thống nhất với nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư và việc theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình đầu tư vốn của Nhà nước sẽ không phản ánh được đầy đủ, kịp thời, toàn diện.