Điểm nhấn độc đáo nơi tột Bắc
Nếu ai đó hỏi, bạn sẽ giới thiệu gì về Hà Giang với du khách? Tôi không ngần ngại nói về Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTCCNĐĐV) - một điểm nhấn độc đáo nơi tột Bắc Tổ quốc, làm mê đắm bất kỳ du khách nào có dịp ghé thăm.
CVĐCTCCNĐĐV trải rộng trên địa bàn 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với tổng diện tích trên 2.350 km2; là địa bàn sinh sống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số với trên 250.000 người; trong đó, nhiều nhất là người Mông, Dao, Tày, Nùng và một số dân tộc rất ít người, như: Pu Péo, Bố Y, Lô Lô. Nơi đây được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất; nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây hàng trăm triệu năm; những hiện tượng tự nhiên; cảnh quan; tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Trong đó, giá trị di sản địa chất bao gồm tất cả các di sản cấu trúc - kiến tạo, địa mạo, hang động, cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường; được thể hiện dưới dạng các di sản cụ thể cảnh quan địa hình đơn nghiêng, hoang mạc đá, các hố sụt, các bề mặt san bằng, các hệ thống hang động, các hóa thạch cổ sinh… Giá trị di sản văn hóa bao gồm tất cả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, các di vật, khảo cổ học, bảo vật quốc gia lưu giữ trong nhân dân hoặc chưa khai quật trong lòng đất…Giá trị tài nguyên thiên nhiên bao gồm các hệ sinh thái động, thực vật, cảnh quan, khoáng sản, đất, nước, rừng… CVĐCTCCNĐĐV cũng là nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh được công nhận cấp Quốc gia, như: Cột cờ Lũng Cú, Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi đôi Quản Bạ…
Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận Công viên Địa chất toàn cầu. Điều này tạo thuận lợi trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị cốt lõi của di sản, đồng thời mở ra cơ hội cho cư dân bản địa vươn lên thoát nghèo. Đến nay, CVĐCTCCNĐĐV đã xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái thẩm định; khẳng định những nỗ lực của tỉnh Hà Giang trong việc xây dựng và phát triển CVĐCTCCNĐĐV trong nhiều năm qua.
Ngay khi được công nhận là công viên Địa chất toàn cầu, UBND tỉnh đã ban hành các quy chế, kế hoạch về quản lý, bảo vệ và phát triển CVĐCTCCNĐĐV. Theo đó, các di sản địa chất và di sản văn hóa của CVĐCTCCNĐĐV được quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững, phù hợp với Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTCCNĐĐV giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch phát triển KT– XH của 4 huyện vùng cao và phù hợp các tiêu chí của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu; góp phần phát triển KT – XH, đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương. Tỉnh cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giá trị di sản; đầu tư, tu bổ và phục hồi các giá trị di sản; đẩy mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ và quảng bá nhằm khai thác các giá trị di sản; tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Các ngành chức năng và 4 huyện vùng CVĐCTCCNĐĐV đã tập trung nguồn lực, nhân lực, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy di sản, như: Đầu tư xây dựng mới, tu sửa các điểm dừng chân; tăng cường quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản trên địa bàn; phục dựng và duy trì các hoạt động lễ hội dân gian của các dân tộc; xây dựng quy ước quản lý các công trình nhà ở, nhà văn hóa gắn với kiến trúc truyền thống, triển khai xây dựng Nông thôn mới với những cơ chế đặc thù để không phá vỡ cảnh quan; phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, xây dựng các khu du lịch sinh thái cũng được quan tâm, thực hiện.
Không thể phủ nhận, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được góp mặt vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, lượng khách du lịch đến với Hà Giang không ngừng tăng cao. Năm 2016, khách du lịch đến tỉnh mới đạt 853.746 lượt người, doanh thu du lịch đạt 795 tỷ đồng; đến năm 2019 khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1,4 triệu lượt người; trong đó, khách quốc tế đạt 225.131 lượt người; doanh thu từ du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng du lịch đạt trên 15%/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp tương đối đồng bộ. Nhiều nhà hàng, khách sạn, điểm đến, tour, tuyến du lịch mới được xây dựng, đảm bảo giữ gìn được nét văn hóa trong kiến trúc tổng thể của Cao nguyên đá và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, bảo tồn và phát triển.
Thực tế, di sản CVĐCTCCNĐĐV đã biến một vùng núi đá khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, cơ sở hạ tầng không đồng bộ,… trở thành một vùng có tiềm năng bứt phá để phát triển kinh tế. Đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá đã tìm được hướng sinh kế mới, biến những mảnh nương, những ngôi nhà truyền thống, nét văn hóa độc đáo của mình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Điều đó thực sự làm nhiều du khách trong và ngoài nước kinh ngạc.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202005/diem-nhan-doc-dao-noi-tot-bac-759777/