Điểm nhấn du lịch nơi miền đá Mèo Vạc

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (DLCĐ) dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) chứa đựng nét đặc trưng về kiến trúc nhà ở cũng như các giá trị văn hóa của đồng bào Mông. Nơi đây không chỉ giữ vai trò bảo tồn các giá trị văn hóa người Mông mà còn trở thành điểm nhấn du lịch trên Cao nguyên đá.

Một góc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi.

Một góc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi.

Mèo Vạc là vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng cộng đồng các dân tộc nơi đây luôn kiên cường bám đá, bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc. Thiên nhiên khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng cũng ban tặng nhiều phong cảnh hùng vĩ, làm say đắm lòng người. Không chỉ có đèo Mã Pì Lèng sừng sững, dòng Nho Quế uốn lượn, Mê cung đá kỳ bí mà những nét văn hóa độc đáo của 17 dân tộc anh em cùng chung sống đã giúp cho Mèo Vạc trở thành địa phương đa sắc màu văn hóa trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng; trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 80% dân số toàn huyện, có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống như: Lễ hội Gầu Tào, Hội vỗ mông, múa khèn Mông, trang phục truyền thống… Phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, nhất là phát triển theo hướng trải nghiệm, khám phá, Mèo Vạc đã chú trọng xây dựng và phát triển các làng văn hóa DLCĐ nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Sau khi được tỉnh phê duyệt Đề án Làng Văn hóa DLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi vào tháng 9.2016, huyện xác định đây là điều kiện thuận lợi để tạo bứt phá trong phát triển KT – XH; nhất là phát triển du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mông. Do đó, huyện coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần huy động sự tham gia của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở nên đã ban hành nghị quyết về việc lãnh đạo triển khai thực hiện.

Trẻ em thích thú với trò chơi dân gian trong khu vui chơi của Làng văn hóa.

Trẻ em thích thú với trò chơi dân gian trong khu vui chơi của Làng văn hóa.

Làng Văn hóa DLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ được khởi công xây dựng vào tháng 12.2016, có quy mô diện tích trên 27.000 m2, với tổng mức đầu tư phê duyệt trên 41 tỷ đồng. Để tạo đồng thuận trong nhân dân, huyện tập trung tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ chủ trương, lợi ích trong việc xây dựng Làng văn hóa; tạo sự đồng tình, ủng hộ trong đền bù, giải phóng mặt bằng và đăng ký tham gia làm nhà trong làng văn hóa; phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng và hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dịch vụ - du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại thôn Pả Vi Hạ; ban hành phương án quản lý, khai thác DLCĐ của Làng văn hóa; xây dựng phương án thực hiện mô hình chăn nuôi bò hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với phát triển DLCĐ; thành lập Ban Quản lý Làng văn hóa.

Làng Văn hóa được khai trương vào cuối tháng 4.2019, gồm các hạng mục chính: Nhà văn hóa 5 gian và nhà trưng bày sản phẩm 3 gian thiết kế theo kiến trúc nhà khung gỗ, trình tường, mái lợp ngói âm dương 2 tầng; hệ thống giao thông lát đá xẻ địa phương; hệ thống điện ngầm; bãi đỗ xe; 2 khu vui chơi và các hạng mục khác. Hiện có 28 hộ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng nhà ở theo mẫu nhà dân tộc Mông. Quang cảnh ngôi làng thoáng đãng, sạch sẽ; các ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống người Mông liền kề nhau và hầu hết phát triển dịch vụ nhà nghỉ Homstay, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Để tạo điểm nhấn du lịch với mục tiêu nâng cao đời sống người dân và bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mèo Vạc đang đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Làng văn hóa; vận động nhân dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất, thị trường; nhân rộng mô hình các hộ dân làm du lịch Homstay; thành lập các đội văn nghệ dân gian.

Anh Hồng Mí Sinh, Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa DLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ cho biết: “Để nâng cao đời sống người dân trong Làng văn hóa, Ban Quản lý đang chú trọng tuyên truyền tới nhân dân thực hiện tốt quy chế hoạt động của làng; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khuôn viên nhà ở và các công trình công cộng đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo điểm nhấn khi du khách đến tham quan; thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương nhằm thu hút khách du lịch”.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201906/diem-nhan-du-lich-noi-mien-da-meo-vac-746599/