Điểm nhấn giáo dục: 91 cơ sở giáo dục ở TP.HCM có gói thầu, dự án liên quan AIC
Phụ cấp giáo viên có thể tăng 100%; TP.HCM có 91 cơ sở giáo dục có gói thầu, dự án liên quan AIC hay thông tin mới vụ phụ huynh vác dao vào trường ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi;… là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.
TP.HCM có 91 cơ sở giáo dục có gói thầu, dự án liên quan AIC
Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra TP.HCM, Sở GD&ĐT đang rà soát, kiểm tra các dự án, gói thầu mua sắm trang thiết bị ở các cơ sở giáo dục liên quan đến công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).
Qua rà soát, TP.HCM có 91 cơ sở giáo dục có các gói thầu, dự án mua sắm tài sản, trang thiết bị có liên quan đến AIC.
Sở GD&ĐT TP.HCM thành lập đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện với các dự án, gói thầu mua sắm tài sản, thiết bị do AIC và các đơn vị thành viên thực hiện tại những cơ sở giáo dục trong giai đoạn 2011-2022. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu 91 cơ sở cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan tới căn cứ pháp lý, chủ trương, văn bản chấp thuận cho phép thực hiện đầu tư gói thầu mua sắm trang thiết bị cũng như việc tổ chức thực hiện gói thầu, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Kết thúc thời gian rà soát, kiểm tra, Sở sẽ có trách nhiệm báo cáo về việc thực hiện các dự án, gói thầu của 91 cơ sở giáo dục trên với Thanh tra TP và UBND TP.
Thông tin mới vụ phụ huynh vác dao vào trường ép hiệu trưởng quỳ
Sáng 30/11, thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vừa qua ông đã rút đơn tố cáo và đề nghị cơ quan chức năng không khởi tố ông Võ Văn Điệp (40 tuổi, trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm) – người đã có hành vi vác dao xông vào trường đe dọa giáo viên. (xem chi tiết)
Phụ cấp giáo viên có thể tăng 100%, nhà giáo bậc nào sẽ hưởng phụ cấp nhiều nhất?
Bộ GD&ĐT đề xuất phụ cấp nhà giáo ở mức 25-100% tùy đối tượng. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh với mức hỗ trợ dự kiến tăng thêm 4.032 tỉ đồng/năm. (xem chi tiết)
Bộ GD&ĐT: Nhiều phương thức xét tuyển đại học không hiệu quả
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Đặc biệt, khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh. (xem chi tiết)
5 cựu cán bộ Sở Giáo dục Thanh Hóa bị khai trừ khỏi Đảng
Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thi hành kỷ luật khai trừ 6 đảng viên là cựu cán bộ, lãnh đạo phòng thuộc Sở GD-ĐT.
Trong số 5 đảng viên bị khai trừ có 3 người từng là cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở GD-ĐT Thanh Hóa: Ông Trịnh Hữu Nghĩa, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Trưởng Phòng; Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó bí thư chi bộ, nguyên Phó trưởng Phòng; Bùi Trí Thức, chuyên viên.
Hai người còn lại trước đây là cán bộ công ty CP Sách và Thiết bị trường học, cũng thuộc Sở: Lê Thế Sơn, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Giám đốc công ty và Vũ Thị Ninh, nguyên Kế toán trưởng.
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, 5 đảng viên trên đã có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục tại Sở GD&ĐT. Liên quan tới vụ án, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam bị can Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa từ tháng 7/2021.
Phó Thủ tướng ký quyết định hỗ trợ tiền cho giáo viên tư thục gặp khó khăn do dịch
Ngày 29/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, nhà nước hỗ trợ một lần mức 3,7 triệu đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định. (xem chi tiết)
Sở GD&ĐT TP.HCM cấm công chức, viên chức đi nước ngoài do doanh nghiệp đài thọ
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ban hành quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, người lao động của Sở và các đơn vị trực thuộc đi nước ngoài.
Theo quy chế, Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc sử dụng ngân sách nhà nước để đi nước ngoài về việc riêng; Sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ vào mục đích kinh doanh hoặc đi nước ngoài về việc riêng. Đặc biệt, nghiêm cấm công chức, viên chức đi nước ngoài về việc riêng nhưng kinh phí do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đài thọ hay trúng thưởng chương trình khuyến mãi, chương trình thưởng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Những việc sau cũng bị Sở nghiêm cấm: Không trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài và đi không đúng quốc gia đến đã được Sở cho phép; Tự ý đi nước ngoài mà không xin phép hoặc tự ý đi nước ngoài trước khi có sự chấp thuận của Sở hoặc tự ý ở lại nước ngoài quá thời gian quy định mà không xin phép.