Điểm nhấn giáo dục: Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Chính phủ đồng ý bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị sớm xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên; Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh dạy học tích hợp bậc THCS,... là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.
Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.
Liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 của Chính phủ ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Sớm xem xét tăng phụ cấp cho giáo viên
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất… Sớm xem xét về tăng phụ cấp cho giáo viên. (xem chi tiết)
Sinh viên sư phạm học lực yếu sẽ bị cắt hỗ trợ sinh hoạt phí?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định mới là hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng. (xem chi tiết)
Lùi thời gian công bố điểm chuẩn đại học
Bộ GD&ĐT vừa có thông báo về việc điều chỉnh lịch lọc ảo so với kế hoạch đã đưa ra trước đó.
Bộ GD&ĐT cho biết năm 2023, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong nhiều phương thức xét tuyển trong đợt 1, đồng thời thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành (không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển); vì vậy, các trường cần nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành việc xét tuyển. (xem chi tiết)
Hàng nghìn học sinh Đắk Lắk tốt nghiệp lớp 9 có nguy cơ thất học, trách nhiệm của ai?
Ngày tựu trường cận kề nhưng hàng nghìn học sinh đã tốt nghiệp THCS ở Đắk Lắk vẫn chưa có trường, lớp để học. Tỉnh này vừa tổ chức một cuộc họp với đầy đủ thành phần nhưng cũng chưa thể giải quyết ngay tình trạng trường lớp cho học sinh. (xem chi tiết)
Bộ trưởng Giáo dục đề nghị Hà Nội chấm dứt cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ
“Trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm học tới, TP Hà Nội dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước đây là việc không nên”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói. (xem chi tiết)
Nhiều giáo viên xin cơ chế được dạy thêm
Gần 2.000 ý kiến gửi về Bộ trưởng Giáo dục đề nghị xem xét việc lương, chế độ cho giáo viên quá thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống. Nhiều giáo viên ngỏ ý xin cơ chế được dạy thêm để có thể trụ lại với nghề. (xem chi tiết)
Sau nhiều tranh cãi, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh dạy học tích hợp bậc THCS
Chia sẻ với khoảng 700.000 nhà giáo bậc mầm non, phổ thông tại chương trình Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy học tích hợp là điểm rất mới trong chương trình GDPT 2018. Người thiết kế chương trình đã tham khảo cách làm của các nước, đưa chương trình nhằm mục tiêu phát triển năng lực của học sinh. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và có khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh chương trình GDPT 2018 đối với dạy học tích hợp”. (xem chi tiết)
Dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non
Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin trong buổi gặp gỡ 700.000 nhà giáo mầm non, phổ thông sáng 15/8. (xem chi tiết)
Sớm ban hành phương pháp định giá, giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa
Đồng tình với đề xuất thanh tra về sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần thanh tra toàn diện từ việc in ấn, rồi lựa chọn, xét duyệt sách giáo khoa…(xem chi tiết)