Điểm những quốc gia dời đô đi nơi khác

Indonesia mới đây kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh tại Cung điện Garuda ở thủ đô mới Nusantara (IKN). Trước đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng quyết định dời đô đi nơi khác.

Ngày 17/8, lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Indonesia đã được tổ chức tại Cung điện Garuda ở thủ đô mới Nusantara, với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo và Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cùng các thành viên nội các.

Đây là hoạt động đầu tiên mang tầm quốc gia được tổ chức tại thủ đô mới của Indonesia và đánh dấu sự khởi đầu của quá trình dời thủ đô khỏi Jakarta. Thực tế, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng còn hạn chế và dự án thủ đô mới hoàn thành được khoảng 15-20% khối lượng xây dựng. Vì vậy, số người tham dự buổi lễ chỉ khoảng 1.300 người thay vì 8.000 đại biểu như dự kiến ban đầu.

Trước đó, ngày 12/8/2024, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên tại Nusantara.

Các nhà hoạch định chính sách từng tuyên bố rằng thủ đô mới Nusantara của Indonesia sẽ là một đô thị "xanh, có thể đi bộ", sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Indonesia đã được tổ chức tại Cung điện Garuda ở thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Reuters.

Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Indonesia đã được tổ chức tại Cung điện Garuda ở thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto lạc quan rằng Nusantara ở Đông Kalimantan sẽ hoạt động tốt nhất với tư cách là khu vực thủ đô của quốc gia trong vòng sớm nhất là 3 năm tới.

Ngoài Indonesia, nhiều quốc gia cũng quyết định dời đô đến nơi khác.

Tại Kazakhstan, năm 1997, Tổng thống Nursultan Nazarbayev quyết định dời thủ đô ra khỏi thành phố lớn Almaty tới Aqmola, cách Almaty chừng 1.200 km. Ông đổi tên thành phố Aqmola thành Astana.

Tổng thống Nursultan sau đó thuê các kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới tới xây dựng thủ đô mới từ đầu. Một trong những kiến trúc ấn tượng nhất ở Astana là Khan Shatyr, khu lều trại lớn nhất trên thế giới.

Tại Myanmar, vào tháng 11/2005, Hội đồng hành chính quân sự Myanmar đã quyết định dời đô từ Yangon (hay Rangoon) về Naypyidaw. Naypyidaw chính thức trở thành thủ đô mới của Myanmar từ ngày 26/3/2006.

Bolivia cũng đã di dời thủ đô. Bolivia có hai thủ đô: Sucre và La Paz. Sucre là thủ đô duy nhất cho tới năm 1899, khi thành phố này bị thất thủ trong một cuộc nội chiến với La Paz. Sau đó, quốc hội và các cơ quan công vụ chuyển tới La Paz, thành phố lớn nhất của Bolivia, trong khi các cơ quan lập pháp vẫn ở lại Sucre.

Sau 3 năm xây dựng, ngày 21/4/1960, thủ đô mới của Brazil mang tên Brasilia đã được khánh thành, khiến toàn thế giới ngạc nhiên và khâm phục. Thành phố này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới dù được xây dựng trong thế kỷ 20. UNESCO từng mô tả thủ đô Brasília là “ví dụ điển hình của chủ nghĩa đô thị hiện đại thế kỷ XX”.

Tại châu Phi, một quốc gia là Nigeria cũng dời thủ đô từ Lagos tới Abuja. Từ năm 1991 trở về trước, Lagos, thành phố lớn nhất ở Nigeria, là thủ đô nước này.

Ai Cập đã bắt đầu xây dựng thủ đô mới để thay thế Cairo khi thủ đô hiện tại đối mặt với các vấn đề về mật độ đô thị, ô nhiễm và ùn tắc giao thông. Ai Cập sẽ xây dựng thủ đô mới - hiện được gọi là Thủ đô Hành chính mới - về phía Đông Cairo.

Mời độc giả xem thêm video: Lộ diện thành phố bí ẩn 2.000 năm nhân loại chưa từng biết đến

P.V (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/diem-nhung-quoc-gia-doi-do-di-noi-khac-2022889.html