Điểm nóng đầu tư công nghệ y tế

Để giải quyết câu chuyện quá tải ở các bệnh viện, thiếu bác sĩ, già hóa dân số… ngành y tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đây được xem là cơ hội 'vàng' cho các startup trong lĩnh vực này.

Thị trường công nghệ y tế đang bùng nổ trên toàn cầu, được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% mỗi năm, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2027.

Trong đó, thị trường Châu Á được xem là điểm nóng đầu tư vào công nghệ y tế. Theo báo cáo Hệ sinh thái y tế số của McKinsey, đầu tư chuyển đổi số y tế tại Châu Á ước đạt 37 tỷ USD trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 38% - cao hơn mặt bằng chung thế giới

Báo cáo của McKinsey nhấn mạnh, công nghệ y tế được quan tâm đầu tư sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như: theo dõi sức khỏe, phân tích dữ liệu y tế, thăm khám/chẩn đoán bệnh tật từ xa.

Halodoc được ra mắt lần đầu tại Indonesia vào năm 2016. Đến nay, Halodoc đã vượt mốc hơn 20 triệu người dùng hàng tháng, triển khai thành công dịch vụ tư vấn khám bệnh từ xa 24/7, giao thuốc từ hơn 4.900 nhà thuốc, tập hợp hơn 3.300 đối tác bệnh viện, 20.000 bác sĩ và hơn 28 nhà cung cấp bảo hiểm trên một nền tảng.

Để làm được điều này, ngay từ những ngày đầu thành lập, Halodoc đã xây dựng hệ sinh thái y tế toàn diện thông qua công nghệ đám mây cung cấp bởi Amazon Web Services.

Nhờ ứng dụng công nghệ AWS, Halodoc đã giảm được 20% chi phí công nghệ thông tin và tăng 50% hiệu suất xử lý. Ngoài ra, công nghệ còn giúp Halodoc dựng giải pháp số và dựa trên dữ liệu để có thể dễ dàng mở rộng quy mô, nhằm cung cấp một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện cho số lượng người dùng đang phát triển nhanh chóng.

Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang trở thành điểm nóng đầu tư công nghệ y tế

Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang trở thành điểm nóng đầu tư công nghệ y tế

Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được ghi nhận ngày càng tăng cao, thể hiện qua tổng chi tiêu y tế ở Việt Nam năm 2019 là hơn 17 tỉ USD, và ước đạt mức tăng trưởng 10,7% mỗi năm, theo Fitch Solutions.

Để giải quyết câu chuyện quá tải ở các bệnh viện, thiếu bác sĩ, già hóa dân số… ngành y tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đây được xem là cơ hội "vàng" cho các startup trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trái ngược với tiềm năng, số lượng startup bước ra từ lĩnh vực y tế tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Tại thị trường tiềm năng như Việt Nam, số lượng startup y tế chiếm chưa đến 2% trong tổng số 4.000 startup của toàn châu Á.

Đầu năm nay, Medigo - nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa của Việt Nam đã huy động thành công 2 triệu USD từ quỹ đầu tư East Ventures cùng với sự tham gia của Pavilion Capital và Touchstone Partners.

Xuất phát điểm của Medigo là một ứng dụng giao thuốc. Nhưng không dừng lại ở đó, startup này xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ y tế, nâng cao quá trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng gồm: xét nghiệm tại nhà, giao thuốc nhanh 24/7 và bác sĩ tư vấn.

"Chúng tôi phải chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng, sự phát triển không ngừng, đồng thời cập nhật rõ ràng, minh bạch giúp họ tin tưởng, sẵn sàng rót vốn", ông Lê Hữu Hà - nhà sáng lập Medigo chia sẻ.

Không phủ nhận đại dịch chính là bối cảnh thúc đẩy các startup y tế vươn mình, ông Hà dự báo, trong những năm tới đây nhu cầu chăm sóc sức khỏe online của người Việt Nam cũng sẽ gia tăng theo xu hướng công nghệ hóa.

Cùng với Medigo, BuyMed cũng huy động thành công 51,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Mặc dù thị trường phân phối dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 73 tỷ USD vào năm 2024, tuy nhiên, BuyMed cho rằng thị trường này vẫn còn rất phân mảnh.

Do đó, BuyMed mong muốn tạo ra một cuộc cách mạng để đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại châu Á trở nên dễ tiếp cận hơn và có giá cả phải chăng hơn.

"Chúng tôi muốn xây dựng hệ sinh thái trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe mà chưa ai dám xây dựng", BuyMed chia sẻ.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/diem-nong-dau-tu-cong-nghe-y-te-1685689346906.htm