'Điểm nóng' Idlib trên bàn cờ lợi ích ở Syria
Tỉnh Tây Bắc Idlib của Syria, vốn được coi là 'điểm nóng' trong cuộc xung đột từ năm 2011 tại quốc gia này, nay lại trở thành tâm điểm chú ý khi đụng độ giữa quân đội chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nổ ra.
Động thái này đe dọa phá vỡ các mối quan hệ hợp tác phức tạp, cũng như các thỏa thuận mong manh và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Idlib có tới 3 triệu dân.
Tỉnh Idlib là vùng lãnh thổ lớn nhất của Syria vẫn do các nhóm phiến quân và vũ trang bất hợp pháp kiểm soát kể từ năm 2015. Hiện liên minh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) mà thành phần chủ yếu gồm các chiến binh của nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra từng có quan hệ với al-Qaeda, kiểm soát khoảng 60% diện tích tỉnh này, phần còn lại do các phe nhóm đối lập chiếm giữ. Trong số này cũng có các nhóm quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, bao gồm cả HTS. Dân số Idlib cũng tăng vọt, từ 1,5 triệu người năm 2011 nay lên tới 3 triệu mà một nửa trong số đó là tay súng tàn quân khủng bố và phiến quân cũng như thân nhân của họ, chạy từ các thành phố Aleppo, Hama, Homs, Đông Ghouta, Deraa, và thậm chí cả từ thủ đô Damascus, sau khi lực lượng chính phủ giải phóng những khu vực này. Đó là lý do tỉnh biên giới này được đánh giá có nguy cơ cao trở thành “ổ dịch khủng bố” mới, không chỉ đe dọa Syria mà cả khu vực Trung Đông.
Chiến dịch tấn công các thành trì của phiến quân tại Idlib được chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad triển khai từ vài năm nay nhằm thực hiện mục tiêu của quét sạch khủng bố và thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước, tạo bước ngoặt có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột đã sắp bước sang năm thứ 10 ở quốc gia Trung Đông này. Nga ủng hộ Damascus tiến hành chiến dịch truy quét phiến quân và khủng bố tại Idlib. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các tay súng khủng bố và phiến quân ở Idlib đang sống lẫn với dân thường, một cuộc tấn công quy mô lớn có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nhân đạo đối với dân thường tại tỉnh này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối kế hoạch của Syria tấn công phiến quân tại Idlib. Đối với Ankara, Idlib không chỉ là tỉnh giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là khu vực có tính điểm tựa, giúp nước này củng cố vị trí tại miền Tây Bắc Syria. Với các thỏa thuận giữa nhóm bộ ba Astana thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria từ năm 2017, Ankara đã triển khai 12 trạm quan sát ở Idlib, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện, thậm chí “bám rễ” tại nhiều vùng ở Idlib, từ đó kiểm soát hiệu quả các nhóm vũ trang người Kurd ở miền Tây Syria. Sau chiến dịch “Nhành Ôliu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2018 tấn công tỉnh Afrin, miền Bắc Syria để trấn áp lực lượng người Kurd tại đây, Idlib đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd tại Syria. Ngoài ra, phải kể tới nguy cơ khoảng 700.000 người tị nạn từ Idlib, cùng với mối đe dọa an ninh khi hàng chục nghìn tay súng khủng bố, phiến quân bị quân đội Syria truy quét, sẽ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 9/2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước thỏa hiệp khi ký Bản ghi nhớ Sochi, theo đó thiết lập một khu phi quân sự tại tỉnh Idlib, dọc theo đường ranh giới giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập. Theo thỏa thuận, Chính phủ Syria khi đó đã tạm hoãn một chiến dịch truy quét phiến quân quy mô lớn tại tỉnh Idlib, mà mục tiêu là tránh gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Idlib, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ phân tách lực lượng cực đoan khỏi các nhóm đối lập ôn hòa. Các nhóm vũ trang đối lập phải rời khỏi khu vực phi quân sự để mở đường cho các lực lượng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tra khu vực. Tuy nhiên, đến thời hạn hoàn tất việc rút quân và vũ khí (ngày 15/10/2018), Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết không có tay súng nào rời khỏi vùng phi quân sự, còn Chính phủ Syria thì cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận với Nga về thiết lập khu vực phi quân sự.
Kể từ cuối năm 2018, tình hình Idlib tiếp tục bất ổn với các vụ tấn công của các tay súng phiến quân ở Idlib nhằm vào quân đội Syria. Sau vụ đánh bom kép tháng 2/2019 tại Idlib khiến gần 20 dân thường thiệt mạng, phía Syria cho rằng các đối tượng khủng bố cực đoan vẫn mở rộng và kiểm soát toàn bộ khu vực Idlib, khiến thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiện thực hóa.
Về phần mình, Nga cũng cho rằng cần tiếp tục chiến dịch nhằm vào các nhóm khủng bố và phiến quân đang ẩn náu tại Idlib, đồng thời khẳng định điều này không vi phạm các nguyên tắc của cả thỏa thuận Astana lẫn thỏa thuận Sochi, và những hoạt động quân sự như vậy cần được tiến hành do Ankara không thể thực hiện nghĩa vụ chia tách lực lượng đối lập theo Bản ghi nhớ Sochi 2018. Ngoài ra, lực lượng phiến quân ở Idlib không chỉ tấn công quân sự chính phủ Syria mà còn sử dụng máy bay không người lái tấn công căn cứ không quân Hmeymim của Nga. Mặt khác, một số cuộc đàm phán giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục cơ chế ngừng bắn tại Idlib và thực hiện thỏa thuận Sochi, đều không đem lại kết quả.
Chính vì thế, từ tháng 4/2019, lực lượng chính phủ Syria đã từng bước tiến hành chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại các khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Idlib và chiến dịch này đã đem lại những kết quả ấn tượng. Tới đầu năm 2020, quân đội chính phủ Syria lần lượt giành lại Ma’arat al-Nu’man, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Idlib, giải phóng thành phố chiến lược Saraqib. Đây là một trong những thành phố quan trọng nhất ở Tây Bắc Syria vì hai đường cao tốc chính là cao tốc Aleppo-Damascus (M5) và cao tốc Latakia-Saraqib (M4) giao nhau ngay ngoại ô thành phố. Phía Bắc Saraqib là khu vực giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Ankara đang tích cực xây dựng các trại tị nạn cho người Syria dòng Sunny. Saraqib cũng chỉ cách thành phố Idlib 20km về phía Tây. Những ngày đầu tháng 2 này, quân đội Syria có lúc chỉ còn cách thành phố Idlib 4km, trong khi lực lượng đối lập vẫn tiếp tục phải lui quân. Trong bối cảnh như thế, chiến dịch quân sự của chính phủ Syria được đánh giá đang đạt tới ngưỡng khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất "chỗ đứng" tại tỉnh Idlib nói riêng và khu vực Tây Bắc Syria nói chung. Nếu Ankara không hành động, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ có thể suy yếu không chỉ ở Idlib mà cả toàn bộ vùng giáp biên giới Đông Bắc của Syria, nơi lực lượng người Kurd hoạt động mạnh.
Có thể thấy tại Syria, các lực lượng của người Kurd mới là đích nhắm chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã tiến hành 3 chiến dịch quân sự lớn ở Syria là "Lá chắn Euphrates", "Nhành Ôliu" và "Cội nguồn hòa bình" chủ yếu nhằm vào các lực lượng người Kurd, trong đó có lực lượng dân quân Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vốn là đồng minh của phương Tây chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria. Trong bối cảnh chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các lực lượng người Kurd tại khu vực giáp biên giới ở Đông Bắc Syria từ tháng 9/2019 đã chấm dứt nhờ vai trò trung gian hòa giải của Nga, một số chuyên gia nhận định rằng nay Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Idlib để sau đó "đánh đổi" Idlib với vùng Đông Bắc Syria, nơi có tầm quan trọng chiến lược hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây có thể là lý do để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tiến hành chiến dịch quân sự thứ tư tại Syria "nếu tình hình ở Idlib không trở lại bình thường", tức quân đội Syria không rút khỏi tỉnh này. Ankara đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới sân bay Taftanaz ở ngoại ô Idlib nhằm ngăn cản đà tiến công của các lực lượng chính phủ Syria ở khu vực. Một loạt cuộc đụng độ giữa lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở tỉnh Idlib gây thương vong cho cả hai bên.
Với xung đội mới bùng phát ở "điểm nóng" Idlib này, Nga có vị thế rất đặc biệt và có khả năng hòa giải, bởi Moskva có thể đối thoại với tất cả các bên. Trên thực tế thì năm 2018, Nga đã thể hiện vai trò này khi hóa giải "nút thắt" trong vấn đề Idlib bằng thỏa thuận Sochi. Một mặt, Nga là đồng minh ủng hộ Syria về quân sự và chính trị, mặt khác tiếp tục thúc đẩy hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt với hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400.
Những diễn biến phức tạp gần đây đang khiến vấn đề Idlib trở nên khó lường hơn. Các chuyên gia nhận định đối với Moskva, nguy cơ chính là các chiến dịch của hai phe Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại Idlib vượt quá "lằn ranh đỏ". Chính Nga cũng đã nỗ lực thực hiện vai trò trung gian này hồi trung tuần tháng 1/2020 khi thu xếp cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh của Tổng thống Syria, ông Ali Mamlouk với Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Moskva bên lề hội nghị về Libya. Tuy nhiên, cơ hội để đạt được thỏa thuận hòa giải có lẽ chỉ đến khi nó đáp ứng được các lợi ích của cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của Nga.