Điểm sáng cải tạo tập quán lạc hậu ở bảo Yên
Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên, với đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, xã Thượng Hà có nhiều cố gắng trong việc cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở vùng cao.
Nhìn từ xa, con đường bê tông lên thôn 7 Mai Đào, xã Thượng Hà như sợi dây thừng vắt qua những triền núi đá nhọn chìm trong sương mây. Thôn 7 Mai Đào là thôn cao nhất xã Thượng Hà, cũng là một trong những thôn khó khăn nhất xã. Thôn có 104 hộ dân, chia làm 2 khu dân cư, trong đó đồng bào Dao sống ở thấp hơn, còn 31 hộ người Mông sống ở trên lưng chừng núi đá. So với trước đây, đời sống người Mông ở thôn 7 Mai Đào đã đổi thay nhiều, đặc biệt là việc cải tạo các tập tục lạc hậu.
Khi chúng tôi đến, anh Hảng A Dế, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 7 Mai Đào đang cùng vợ chăm sóc lứa tằm đang vào độ “chín” có thể xuất bán. Anh Dế bảo trong thôn hiện có một số hộ cũng tích cực tìm hướng mới trong phát triển kinh tế, nuôi tằm để nâng cao thu nhập. Khi tằm “chín”, thương lái tự đến thu mua không cần mang xuống chợ bán. Mỗi kg tằm thương phẩm có giá khoảng 60 nghìn đồng. Lứa tằm này, sau 18 ngày chăm sóc, gia đình anh Dế dự kiến bán được 1,5 triệu đồng.
Theo anh Hảng A Dế, trước đây đời sống bà con trong thôn rất khó khăn vì vẫn làm theo tập quán sản xuất cũ, chỉ trông vào cây ngô, cây lúa. Mấy năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và sự chủ động, tích cực, người Mông, người Dao trong thôn đã tích cực trồng và chăm sóc một số giống cây, con mới mang lại nhiều triển vọng như cây bưởi Diễn, cây quế, con tằm,…
Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào Mông, Dao thôn 7 Mai Đào còn tích cực cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Thời điểm năm 2018, tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 2 trường hợp nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn tự về ở với nhau. Trong 6 tháng đầu năm 2023 không có trường hợp tảo hôn nào. Đám cưới, đám tang cũng diễn ra ngắn gọn, tiết kiệm. Hiện nay, hơn 20 người dân trong thôn đang tham gia lớp xóa mù chữ do Trung tâm Học tập cộng đồng xã tổ chức. Thôn 7 Mai Đào được xã lựa chọn xây dựng mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa”.
So với thôn 7 Mai Đào thì thôn 6 Vài Siêu không phải là thôn cao nhất nhưng lại là thôn xa nhất, đường giao thông đi lại khó khăn nhất xã Thượng Hà, cách trung tâm xã 14km đường cấp phối và đường đất. Sau cơn mưa, đường vào thôn nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt. Thôn 6 vài Siêu có 97 hộ dân chủ yếu là người Mông, người Dao, trong đó có 78 hộ nghèo và cận nghèo.
Mặc dù đời sống Nhân dân trong thôn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thay đổi rõ nét nhất là tình trạng tảo hôn giảm nhiều so với trước. Năm 2020 thôn vẫn còn 3 trường hợp tảo hôn, nhưng năm 2022 chỉ còn 1 trường hợp nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn về ở với nhau. Đầu năm 2023, có 1 học sinh người Mông học hết lớp 9 đã đưa bạn gái về nhà với ý định tổ chức đám cưới. Nhờ thôn can thiệp kịp thời nên gia đình đã không tổ chức cưới tảo hôn, đồng thời liên hệ với nhà gái đưa con về.
Anh Bàn Văn Hương, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 6 Vài Siêu.
Hiện nay, thôn 6 Vài Siêu xây dựng mô hình khu dân cư “Không cưới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Ban chủ nhiệm mô hình tích cực vận động các hộ dân đăng ký tham gia mô hình, cam kết không cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt quy ước của thôn. Về phía Chi bộ thôn 6 Vài Siêu phân công cho các đảng viên phụ trách từng nhóm hộ dân đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tình hình, phát hiện những trường hợp có ý định tảo hôn để can thiệp kịp thời”.
Trao đổi với chúng tôi về việc cải tạo tập quán lạc hậu trên địa bàn xã, ông Thào Seo Pao, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thượng Hà cho biết: “Xã Thượng Hà có 14 thôn, bản với 1.329 hộ dân, trên 6.300 nhân khẩu, gồm 9 dân tộc, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Mông, Dao, Kinh. Trước đây, ở những thôn, bản vùng cao nơi đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống vẫn còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong đời sống của bà con. Trong đó, điển hình như tình trạng thanh niên 15, 16 tuổi đã lấy vợ, lấy chồng, sinh con; đám cưới thách cưới cao, tổ chức linh đình; đám tang có gia đình để người chết trong nhà 3 - 4 hôm mới đưa đi chôn, tổ chức ăn uống tốn kém. Ngoài ra, tình trạng nuôi nhốt gia súc cạnh nhà gây mất vệ sinh môi trường còn phổ biến”.
Hai năm trở lại đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thượng Hà phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến. Theo đó, ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội, tuyên truyền pháp luật trên địa bàn xã theo từng tuần, từng tháng cụ thể. Theo đó, mỗi tuần sẽ tổ chức tuyên truyền tại một thôn, bản, tập trung vào những thôn, bản xa xôi, khó khăn, nhận thức của đồng bào hạn chế nhất. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ xã chỉ đạo thành lập một số mô hình điểm cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở các thôn nhằm tạo sự chuyển biến và nhân rộng ra các thôn, bản khác.
Năm 2022, toàn xã Thượng Hà (Bảo Yên) có 1.022 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt gần 77% tổng số hộ. Năm 2023 có 1.329/1.329 hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa.
Đến nay, vấn đề vệ sinh môi trường ở các thôn bản đã có nhiều thay đổi. Trong việc cưới, việc tang khâu tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Vấn nạn tảo hôn đã giảm so với trước. Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn xã chỉ phát hiện 1 trường hợp có ý định cưới tảo hôn ở Thôn 6 Vài Siêu nhưng đã can thiệp kịp thời, hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc chấp hành pháp luật, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/diem-sang-cai-tao-tap-quan-lac-hau-o-bao-yen-post371215.html