'Điểm sáng' của thị trường bất động sản cũng đang bị dịch bệnh làm suy yếu
Sau nhiều lần 'tỏa sáng', bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, khiến phân khúc này bất ngờ suy yếu.
“Con gà vàng” của thị trường bất động sản suy yếu
Trong hơn 18 tháng xuất hiện đại dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp luôn là “điểm sáng” của thị trường, khi dòng vốn đầu tư, nguồn cung, giá trị liên tục tăng đều qua các quý.
Thế nhưng, sau nhiều lần “tỏa sáng”, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, khiến phân khúc này bất ngờ suy yếu.
Sau nhiều lần “tỏa sáng”, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ từ đại dịch, khiến phân khúc này bất ngờ suy yếu.
Theo Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng: Trước khi bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 4, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt, phân khúc bất động sản công nghiệp theo đó trở thành tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây có hiện tượng làm chậm lại tình hình này, đó là một số khu công nghiệp có số ca lây nhiễm rất lớn đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MSH Group cho rằng: Trong thời gian trước, lĩnh vực này được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam nhưng thời gian gần đây đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến cho sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%.
Theo MSG Group, một trong những phân khúc tiềm năng mà hiện đang gặp nhiều khó khăn chính là bất động sản khu công nghiệp.
“Rất mong Nhà nước hỗ trợ để các khu công nghiệp khống chế được dịch Covid-19. Chỉ khi các khu công nghiệp phát triển thì đô thị đi liền mới phát triển”, ông Lộc nói.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế tiết lộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút chỉnh sửa Nghị định về khu công nghiệp, nhìn trong chính sách đối với khu công nghiệp. Chỉnh sửa lần này sẽ khá toàn diện, nhất là về vai trò của các chủ đầu tư, về quy hoạch tại các địa phương và khu công nghiệp gắn liền với khu đô cũng như liên quan đến phân cấp giữa trung ương, địa phương.
“Nếu Nghị định này được thông qua sẽ là điểm sáng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài có chất lượng”, TS Võ Trí Thành cho biết.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Không chỉ bất động sản công nghiệp, tất cả các phân khúc bất động sản tại Việt Nam đều đang rơi vào “vùng trũng” do các tác động của đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay hầu như đến thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn.
Các chủ đầu tư thường có kế hoạch hoạch định dài hơi nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư.
Còn với các doanh nghiệp môi giới, họ hiện cũng đang không có nguồn thu và họ đang phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Khi thị trường khó khăn, đối tượng này sẽ rút lui và rời khỏi thị trường tương đối nhiều.
Bà Hương dự báo: Vào quý 4/2021, nếu lực lượng này không hoạt động được, bởi các đơn vị vừa rồi đã quá khó khăn, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn nữa.
Theo bà Hương, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ và giảm để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý 4 năm nay.
Còn với những doanh nghiệp môi giới, để có thể duy trì được hoạt động, họ cần chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên, họ cũng rất cần đến vốn vay để trả lương.
“Tôi cũng không hiểu tại sao trong năm 2020, việc những doanh nghiệp tiếp thu được vốn vay để trả lương rất thấp, không hiểu do vấn đề nguồn lực hay gì. Gói cho vay ưu đãi này cũng cần xem xét”, bà Hương nói.
Ngoài vấn đề dịch bệnh, bà Hương cho rằng, thị trường bất động sản vốn đã tồn đọng nhiều vấn đề khó khăn. Về mặt pháp lý, nhiều cơ quan ban ngành đã đưa ra nhiều văn bản tháo gỡ.
"Vào năm 2021, cũng đã có một số điểm sáng về pháp lý, chúng tôi có thêm sự tin tưởng và chờ đợi vào sự thực thi của những thay đổi mới này, chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực thời gian. Về sửa đổi luật đất đai, cũng cần phải được xem xét để thực thi tốt hơn.
Với cương vị doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy ngoài gói tín dụng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý 4 năm nay cũng như năm 2022”, bà Hương nói thêm.