Điểm sáng du lịch ngoại thành Hà Nội
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch ngoại thành Hà Nội có sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành điểm sáng với việc hình thành nhiều sản phẩm mới để thu hút khách. Các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe lên ngôi, tạo thêm sức hút cho du lịch Thủ đô.
Thêm nhiều sản phẩm mới
Đầu tháng 3-2023, làng nghề khảm trai nổi tiếng Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) nhộn nhịp hơn khi có các đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất Trọng Nghĩa chia sẻ, để thu hút khách đến với làng nghề, các cơ sở sản xuất thường xuyên thay đổi cách làm, tiếp thị. Một số cơ sở mở thêm hoạt động trải nghiệm tại chỗ cho du khách như khảm trai trên bát dừa, đũa… Nhiều mặt hàng lưu niệm có tính ứng dụng cao được du khách yêu thích bên cạnh những sản phẩm cao cấp. “Kể từ khi thay đổi cách làm, tăng thêm hoạt động trải nghiệm cho du khách, làng nghề đã có khách đến tham quan chứ không còn vắng vẻ như hai năm trước”, anh Nghĩa cho biết.
Với lợi thế giao thông thuận lợi, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 20km, huyện Quốc Oai nổi lên là một trong những điểm đến tiềm năng. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, bên cạnh những dòng sản phẩm thế mạnh, trọng tâm phát triển như: Du lịch văn hóa tâm linh tại khu chùa Thầy, đình So; du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội với các hoạt động thường xuyên là vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ", biển nhân tạo, biểu diễn cá voi… hiện trên địa bàn huyện nâng cấp chất lượng các sản phẩm và hình thành thêm sản phẩm du lịch mới.
“Chúng tôi đang làm mới các sản phẩm truyền thống, triển khai một số tour mới tại khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đình So, tăng tính liên kết giữa các điểm. Cơ sở hạ tầng, hệ thống chiếu sáng, bãi đỗ xe ở hai điểm di tích này đang được chỉnh trang lại. Ngoài ra, Quốc Oai đang có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở các xã Đông Xuân, Phú Mãn. Trong thời gian tới, huyện Quốc Oai còn xây dựng sản phẩm du lịch cắm trại, trải nghiệm ở khu vực sông Đáy, sông Tích”, ông Hoàng Nguyên Ưng chia sẻ.
Thông tin thêm về cách làm sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Quốc Oai, chị Phùng Thị Ngọc Phượng, chủ cơ sở lưu trú homestay Happy Home Đồng Bèn chia sẻ, để hấp dẫn du khách hơn, cơ sở đã phối hợp với một đơn vị chăm sóc sức khỏe trên địa bàn mở thêm dịch vụ chăm sóc cổ vai gáy cho khách lưu trú. “Du lịch chăm sóc sức khỏe đang là xu thế và là thế mạnh của du lịch Hà Nội, vì thế chúng tôi đã kết hợp du lịch nghỉ dưỡng ở homestay với hoạt động trải nghiệm nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe, hy vọng tới đây có thể thu hút cả khách quốc tế”, chị Phượng cho biết.
Cũng với nỗ lực làm mới sản phẩm du lịch, tăng sức hút cho du khách, mới đây, UBND huyện Gia Lâm cùng Sở Du lịch tổ chức đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch tại xã Dương Xá. Sản phẩm du lịch này được kỳ vọng sẽ tăng thêm sức hút cho du khách khi khám phá Gia Lâm, bên cạnh trải nghiệm ở làng cổ gốm sứ Bát Tràng có thể tham quan cụm di tích đền - chùa Bà Tấm...
Còn nhiều tiềm năng
Đánh giá về các sản phẩm du lịch mới ở ngoại thành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, nhiều địa phương đang có những cách làm mới, sáng tạo, chú trọng đầu tư phát triển du lịch. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch ngoại thành Hà Nội đạt hiệu quả, các địa phương cần tăng tính kết nối để khách có thể lưu trú qua đêm. Đây không phải là vấn đề mới với du lịch ở ngoại thành Hà Nội. Vấn đề là các địa phương cần chú trọng hơn đến vấn đề này khi xây dựng hoặc làm mới các sản phẩm du lịch.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, có thể hình thành các tuyến du lịch từ nội thành ra ngoại thành Hà Nội như: Trung tâm Hà Nội - Quốc Oai - Sơn Tây - Ba Vì; phố cổ Hà Nội - Gia Lâm; trung tâm Hà Nội - Mỹ Đức… Để làm được điều đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị lữ hành để thực hiện quảng bá hình ảnh điểm đến, kết nối du khách trong và ngoài nước.
Ông Phùng Quang Thắng cũng cho biết thêm, trong nhiều cuộc khảo sát trước đây, các doanh nghiệp lữ hành cũng nhận thấy tiềm năng rất lớn từ việc xây dựng các tuyến du lịch trên. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp giữ du khách ở lại Hà Nội lâu hơn, mang lại doanh thu nhiều hơn đồng thời quảng bá tốt hơn cho du lịch Thủ đô.
Về chiến lược phát triển du lịch Hà Nội, đặc biệt là các vùng ngoại thành nhiều tiềm năng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch đang khuyến khích, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, những dòng sản phẩm “độc, lạ” trong đó có du lịch thể thao, cắm trại, trải nghiệm trên sông cũng sẽ là những sản phẩm thế mạnh của vùng ngoại ô Hà Nội trong thời gian tới.