Điểm sáng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không chỉ giúp giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Xác định rõ điều đó, cả hệ thống chính trị xã Điền Lư (Bá Thước) đã tích cực vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chọn hướng xuất khẩu lao động (XKLĐ) để thay đổi cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lư Cao Minh Cầu, giai đoạn từ năm 2005 đến 2010 lực lượng lao động của xã chủ yếu ra tỉnh ngoài hoặc làm thuê gần nhà nên thu nhập không cao. Có một vài công ty về địa phương tuyển người đi XKLĐ, song chủ yếu giới thiệu đi các thị trường có thu nhập thấp. Từ năm 2010 Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xã xác định đây chính là cơ hội giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Xã tạo điều kiện để các công ty lĩnh vực XKLĐ có uy tín, nhiều đơn hàng về xã tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu thị trường và tuyển người đi XKLĐ. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để các hội viên tham gia XKLĐ, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đông con. Mưa dầm thấm sâu, nếu buổi đầu xã chỉ có 5 người đi XKLĐ thì đến nay có 81 người đang làm việc ở nước ngoài. Riêng năm 2022, có 35 người đi XKLĐ. Trước đây, thị trường chủ yếu là Malayxia và các nước Trung Đông với thu nhập thấp, thì nay người lao động đã hướng đến thị trường tiềm năng, cho thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Nhiều gia đình ban đầu chỉ có 1 người đi XKLĐ, khi thấy rõ hiệu quả từ XKLĐ đã động viên con em trong gia đình, họ tộc tham gia. Có những gia đình có tới 7 người con, cả dâu, rể đi XKLĐ. Nhiều nhà có từ 2 đến 3 người đi XKLĐ, như hộ gia đình bà Ngô Thị Chiến, các ông Cao Văn Tấn, Cao Văn Vượng, Cao Văn Thịnh ở thôn Điền Giang. Trong đó, gia đình ông Cao Văn Vượng, Cao Văn Thịnh trước đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Từ khi con đi XKLĐ mỗi tháng gửi về 40-50 triệu đồng, không những đã thoát nghèo, cận nghèo, mà còn xây được nhà kiên cố, mua đất ở thị trấn và TP Thanh Hóa, mở cửa hàng kinh doanh.
Hơn thế, XKLĐ ở những môi trường làm việc tốt không những giúp người lao động tích lũy vốn mà còn có thêm kinh nghiệm, kiến thức để lập thân, lập nghiệp. Ví như hộ ông Đinh Văn Hải ở phố Điền Lư có 2 con đi XKLĐ, hiện anh Đinh Văn Dũng đã về nước, được Công ty Sam Sung Bắc Ninh tuyển dụng làm phiên dịch tiếng Hàn với thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng, còn anh Đinh Quốc Dương đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Bản thân ông Hải là thương binh kinh tế không dư dả gì nhưng cũng cố gắng chắt bóp để anh Dương đi học Trường Đại học Vinh. Tuy nhiên, khi ra trường lại không xin được việc làm nên đã chuyển hướng đi XKLĐ. Từ khi các con đi XKLĐ cuộc sống của gia đình đã thay đổi hoàn toàn.
Anh Nguyễn Văn Dũng đã nung nấu ý định đi XKLĐ để mong “đổi đời” nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020”, anh đã đăng ký XKLĐ sang Hàn Quốc. Anh Dũng cho biết: “Trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc nhận thấy văn hóa, cách sống của người Hàn rất văn minh. Hơn nữa, người lao động sang Hàn Quốc làm việc có mức thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt, lại học được tính kỷ luật, kỹ năng nghề, khi về nước dễ tìm được việc làm. Bản thân khi về nước vừa tích lũy được vốn, vừa có thêm kinh nghiệm, kiến thức sống để lập thân, lập nghiệp, lại thông thạo tiếng Hàn nên tôi dễ dàng tìm được việc làm tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa. Trong 2 năm làm giảng viên dạy tiếng Hàn ở đây tôi trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn và nhận dạy kèm tiếng Hàn cho những người có nhu cầu. Ban đầu, tôi nhận dạy 6 người thì cả 6/6 đều thi đậu tiếng Hàn theo chương trình EPS. Đây chính là động lực để tôi xin cấp phép mở Trung tâm ngoại ngữ Việt Anh. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã mở được 28 khóa dạy tiếng Hàn với gần 600 người tham gia”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Cao Minh Cầu, Điền Lư là xã có số người đi XKLĐ luôn đứng tốp đầu của huyện. Nhờ XKLĐ mà cuộc sống người dân khấm khá hơn, góp phần rất hiệu quả vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 59 triệu đồng/năm. Điền Lư cũng là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới và là xã điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của huyện Bá Thước.