Điểm sáng kinh tế ở Mậu Long
Những năm trở lại đây, phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ và trồng dưa, rau, đậu xen canh, luân canh trên đất trồng lúa một vụ hoặc trồng ngô Xuân đang được người dân xã Mậu Long (Yên Minh) mở rộng diện tích, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập.
Một trong ba chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mậu Long nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định là: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính”. Bám sát định hướng, mục tiêu; cùng với các chương trình hỗ trợ như 30a, 135 và nhất là các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh, Đề án nửa triệu con đại gia súc… chăn nuôi trâu, bò ở Mậu Long đang trở thành đòn bẩy giúp nhiều hộ thoát nghèo và trở nên khá giả.
Theo anh Nguyễn Trần Thực, cán bộ khuyến nông xã Mậu Long: Tính đến cuối tháng 2, tổng đàn gia súc của xã có trên 7.400 con; trong đó, đàn trâu 1.202 con, đàn bò 2.196 con. Diện tích cỏ chăn nuôi đạt gần 210 ha. Toàn xã hiện có 1.219 hộ, bình quân mỗi gia đình có gần 3 con trâu, bò. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 5 gia trại chăn nuôi trâu, bò quy mô 15 đến 20 con và hàng trăm hộ nuôi từ 5 con trở lên. Số liệu này cho thấy, chăn nuôi đại gia súc ở Mậu Long rất được quan tâm và đang phát triển mạnh.
Gia đình ông Vi Đức Nhẻo, thôn Bản Khoang luôn duy trì nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên. Hiện, gia đình ông đang nuôi 18 con và là một trong những hộ có đàn trâu, bò nhiều nhất xã Mậu Long. Nhờ chăn nuôi, ông Nhẻo đã dựng được 2 ngôi nhà sàn khang trang. Ông Nhẻo chia sẻ: Đầu năm 2019, tôi có hơn 20 con trâu, bò, tôi bán 4 con trâu và thu về gần 80 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 3 – 4 con rồi lại mua trâu, bò gầy về vỗ béo; kết hợp nuôi sinh sản để duy trì tổng đàn. Nhờ đó, đời sống của gia đình ngày càng khá giả hơn.
Cũng giống như gia đình ông Nhẻo, anh Tẩn A Vít, thôn Nà Liêu thường xuyên duy trì đàn đại gia súc trên dưới 10 con. Anh Vít cho biết: Hiện, tôi đang nuôi 7 con trâu, bò; thời điểm nhiều nhất, tôi nuôi đến 15 con. Năm ngoái, tôi bán 7 con để trả tiền vay ngân hàng do đến hạn thanh toán vốn vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 209 và xây một ngôi nhà mới 3 gian. Năm nay, tôi tiếp tục tìm mua trâu, bò về vỗ béo để bán, bởi gia đình tôi nhiều năm nay chỉ tập trung phát triển kinh tế từ nuôi trâu, bò.
Ở Mậu Long, ngoài nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa, từ năm 2013 trở lại đây, người dân còn tích cực trồng dưa hấu, dưa chuột và rau, đậu xen canh với cây ngô Xuân hoặc luân canh tăng vụ trên đất trồng lúa 1 vụ. Chủ tịch UBND xã Mậu Long, Nguyễn Văn Như cho biết: Xuất phát điểm chỉ từ một số hộ trồng thử nghiệm để có thêm rau, quả phục vụ bữa ăn cho gia đình. Nhưng khi thấy các loại cây này phù hợp với khí hậu địa phương, đầu tư không lớn mà năng suất cao, bán được giá, nên người dân tự giác mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng trở thành loại cây hàng hóa đem lại thu nhập khá cho bà con.
Vụ Đông – Xuân năm nay, toàn xã Mậu Long trồng trên 200 ha rau, đậu, dưa các loại. Trong đó, dưa hấu, dưa chuột gần 10 ha; năng suất bình quân năm 2019 đạt 10 tấn/ha, giá bán 15.000 đồng/kg. Vụ dưa, rau, đậu ở Mậu Long thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5 và được người dân mang bán ở các chợ phiên như: Mậu Duệ, Ngọc Long, Lũng Phìn (Đồng Văn)… Nhiều hộ có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng sau mỗi vụ dưa, rau, đậu.
Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo ở Mậu Long đạt bình quân 6%/năm, cao hơn tỷ lệ giảm nghèo bình quân toàn huyện Yên Minh. Những điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã, như: Chăn nuôi đại gia súc và luân canh, xen canh tăng vụ với những loại cây trồng mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao là điểm nhấn trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ qua và là bước đệm cho những mục tiêu, định hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202003/diem-sang-kinh-te-o-mau-long-756504/