Điểm sáng mô hình 'Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em'

Thực hiện Dự án về 'Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người' giai đoạn 2018 - 2020, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, điều tra, khám phá tội phạm gắn với xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT). Trong đó, mô hình điểm 'Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em' tại thị trấn Yên Bình (Quang Bình) là một ví dụ điển hình.

Công an thị trấn Yên Bình (Quang Bình) tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống xâm hại trẻ em (ảnh chụp tháng 12.2019).

Công an thị trấn Yên Bình (Quang Bình) tuyên truyền cho học sinh về phòng, chống xâm hại trẻ em (ảnh chụp tháng 12.2019).

Thị trấn Yên Bình có trên 1.500 hộ, 6.390 khẩu với 17 dân tộc cùng sinh sống. Trên địa bàn có 6 trường học, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và 1 trường dạy nghề, với đông đảo học sinh. Qua kết quả khảo sát, từ giai đoạn 2014 - 2017, thị trấn xảy ra 4 vụ trẻ em bị xâm hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tình trạng bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, vấn đề tảo hôn vẫn còn. Vấn nạn đó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến tương lai của các em. Trước thực trạng trên, cuối năm 2017, thị trấn đã ra mắt mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em”, để thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với thái độ tích cực, chủ động, trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác tuyên tuyền; các hộ dân ở 11 thôn, tổ dân phố đã cùng nhau ký cam kết với 6 điều, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh quyền, bổn phận của trẻ em. Ông Làn Văn Sỷ, Trưởng thôn Hạ Sơn cho biết: “Toàn thôn có 60 hộ với 333 khẩu, chủ yếu là dân tộc Pà Thẻn, La Chí, Dao, Tày. Đây là thôn vùng 3 của thị trấn, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Với vai trò của mình, tôi đã vận động các gia đình ký cam kết phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Ý thức được điều đó, các hộ không để con em bỏ học kiếm sống, không tổ chức cưới tảo hôn. Khi phát hiện những người có hành vi mua bán, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em, thôn báo cáo công an xã để điều tra, xử lý kịp thời”.

Tại các trường học, giáo viên cũng phải cam kết không được có lời nói, hành động xâm hại học sinh, tạo môi trường giáo dục bình đẳng, giúp các em phát triển toàn diện về tư duy, thẩm mỹ, có lối sống lành mạnh, thói quen ứng xử văn hóa với thầy, cô, bạn bè trong nhà trường, gia đình và cộng đồng. Cô giáo Lê Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Bình cho hay: “Trường có tổng số 415 học sinh, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em, giáo viên đã lồng ghép nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống. Với những tình huống đặt ra theo từng hoàn cảnh cụ thể, các em sẽ biết cách tự bảo vệ mình, có suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực”.

Em Nguyễn Lê Thanh, lớp 9A chia sẻ: “Ngoài tham gia các hoạt động của nhà trường, chúng em còn được các chú công an tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Với các đề tài được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa, diễn kịch, các bạn rất hào hứng tham gia, dễ tiếp thu để nhìn nhận, giải quyết vấn đề”. Em Hoàng Tuyết Mai, lớp 8B bày tỏ: “Em thấy các nội dung về Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em rất bổ ích, thực tế, giúp các bạn trong lớp đoàn kết, kỷ luật hơn. Qua đây, em cũng sẽ nói với bạn bè nơi cư trú, người thân trong gia đình nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”.

Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình điểm “Phòng, chống xâm hại trẻ em”, tình hình ANTT trên địa bàn thị trấn Yên Bình giữ vững và ổn định. Các hành vi bạo lực gia đình liên quan đến trẻ em, bạo lực học đường đã không xảy ra. Ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em là điều cấp thiết nhưng không phải ngày một, ngày hai, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đòi hỏi cộng đồng xã hội vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát hiện, tố giác tội phạm. Với khẩu hiệu “Nói không với xâm hại trẻ em” và cách làm hay, sáng tạo, mô hình này xứng đáng được nhân rộng để chung tay bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202004/diem-sang-mo-hinh-phong-chong-toi-pham-xam-hai-tre-em-757793/