Điểm sáng phong trào góp đất làm đường ở Quỳnh Phụ

Từ hơn nửa năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) hồ hởi góp đất làm đường giao thông liên huyện, liên xã, có gia đình tự nguyện góp đất với giá trị hơn tỷ đồng. Quỳnh Phụ đang trở thành điểm sáng với những cách làm hợp lòng dân.

Hàng nghìn hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) tự nguyện phá dỡ tường bao, nhà ở để mở rộng đường giao thông.

Hàng nghìn hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) tự nguyện phá dỡ tường bao, nhà ở để mở rộng đường giao thông.

Vừa nghe tin chính quyền vận động góp đất mở đường, bà Nguyễn Thị Mí, trú tại thôn Hạ, xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ) bàn bạc với gia đình rồi quyết định lùi bức tường rào nhà mình vào sâu hơn 5m. Bà dành tổng cộng 50m2 đất ở trị giá gần 1 tỷ đồng để làm đường. Bà Mí cho biết: “Nông thôn muốn phát triển thì phải làm đường, mà có làm đường thì không riêng mình tôi hưởng lợi, mà mọi người cùng hưởng. Một tuyến đường rộng, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa thì giá trị nhà, giá trị đất ở của chúng tôi cũng tăng lên”.

Lãnh đạo xã An Thái thông tin, toàn bộ 149 hộ dân cùng đồng thuận góp đất để mở rộng tuyến đường ĐH76 chỉ sau vài ngày tuyên truyền vận động. Con đường rộng tới 7m đã thay thế con đường nhựa rộng 3m, đầy ổ voi, ổ gà suốt 20 năm nay.

Không chỉ xã An Thái, phong trào này đã mở rộng sang hàng loạt các xã khác. Như tại xã An Tràng, chỉ sau hai ngày vận động đã có 100% hộ dân hai bên đường (334 hộ dân) cam kết góp gần 10 nghìn m2 đất. Đường mở rộng, người dân cũng có nhiều lợi ích.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Lai, trú xã An Tràng cho hay: “Trước đây, 100m2 đất này có giá khoảng 120 triệu đồng, nhưng nghe tin mở đường lớn giá đất đã tăng lên 850 triệu đồng rồi”.

Tuyến đường huyện ĐH78 chạy qua xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) được gần 200 hộ dân góp đất mở đường lớn.

Tuyến đường huyện ĐH78 chạy qua xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Phụ) được gần 200 hộ dân góp đất mở đường lớn.

Tại xã Quỳnh Ngọc, dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, người dân thêm phấn khởi bởi tuyến đường huyện ĐH78 kết nối từ đê hữu sông Luộc đến đường tỉnh ĐT452 được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Từ trước đó, hàng trăm hộ dân hai bên đường cũng tự nguyện góp đất, lùi cổng, lùi tường và thậm chí lùi cả ngôi nhà hai, ba tầng vừa xây mới.

Bác Nguyễn Văn Cường, một giáo dân sống tại thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc chia sẻ: “Nếu theo chế độ thì gia đình tôi với hơn 200m2 đất phải thu hồi, trị giá bồi thường khoảng hơn một tỷ đồng. Nhưng gia đình không nhận đền bù, mà góp đất theo phong trào tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại”.

Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc Phạm Văn Tập cho biết, chủ trương vận động nhân dân góp đất làm đường liên huyện diễn ra rất nhanh và có sự đồng thuận cao. Theo đó, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề giao Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo chi bộ ở ba thôn có dự án đi qua là Đông Châu, Quỳnh Lang và Tân Mỹ họp triển khai, các ban, ngành vào cuộc. Sau đó, tuyên truyền chủ trương, nắm tư tưởng và vận động nhân dân, tập trung làm trước ở các hộ có diện tích bị ảnh hưởng lớn, sau đó đến các hộ nhỏ lẻ còn lại.

Có được sự đồng thuận cao của nhân dân trên địa bàn, phải nhắc đến cách làm sáng tạo của huyện Quỳnh Phụ. Đó là chủ trương vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư. Địa phương nào có 100% số hộ dân trên tuyến đường đồng thuận, tự nguyện góp quyền sử dụng đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã thì ưu tiên đầu tư xây dựng.

Chủ trương này khi triển khai từ đầu tháng 7/2021 đến nay nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của đông đảo người dân, bởi họ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên khi tuyến đường đưa vào sử dụng, nhất là về giá trị đất. Nhà nước rút ngắn được rất nhiều thời gian, công sức trong giải phóng mặt bằng vốn là trở ngại lớn trước đây.

Thông qua cách làm này, hiện nay, tuyến đường huyện ĐH78 dài hơn 5km qua các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng và Quỳnh Lâm đã có 194/194 hộ dân tự nguyện góp đất không đòi lại để cùng nhà nước xây dựng công trình phúc lợi. Tại các xã An Ấp, An Vinh, hàng trăm hộ dân cũng đồng thuận góp đất để được đầu tư đường giao thông trên địa bàn.

Giáo dân Nguyễn Văn Cường (thứ hai từ trái sang) trú tại xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tự nguyện góp hơn 200m2 đất ở trị giá hơn 1 tỷ đồng để làm đường.

Giáo dân Nguyễn Văn Cường (thứ hai từ trái sang) trú tại xã Quỳnh Ngọc (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tự nguyện góp hơn 200m2 đất ở trị giá hơn 1 tỷ đồng để làm đường.

Chủ trương đúng, đi vào thực tiễn cuộc sống được người dân đón nhận và đồng thuận cao, là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng như phát triển kinh tế, xã hội.

Qua phân tích từ thực tế thi công các tuyến đường huyện ở Quỳnh Phụ thời gian trước đây cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng gồm: tiền đền bù đất ở, đất nông nghiệp, tài sản trên đất chiếm từ 20% đến 40% tổng mức đầu tư.

Việc nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông do huyện làm chủ đầu tư thì tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nhanh hơn, kinh phi giải phóng mặt bằng giảm hẳn. Huyện có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình giao thông và công trình phúc lợi khác; đồng thời việc làm này còn thể hiện ý thức trách nhiệm cao của người dân đối với xã hội.

Sau hơn sáu tháng kể từ khi phát động phong trào, đến nay huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đã có hàng nghìn hộ dân tham gia góp đất làm đường giao thông, với diện tích đất ở đã hiến là hơn 100 nghìn m2. Với tiến độ này, dự kiến đến năm 2025, toàn bộ hệ thống giao thông đường huyện sẽ đạt được tiêu chuẩn cấp 4 đồng bằng.

Bài, ảnh: MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/diem-sang-phong-trao-gop-dat-lam-duong-o-quynh-phu-689301/