Điểm sáng tỉ lệ huy động trẻ đến lớp ở một trường vùng xa

Nằm ở vùng xa Tu Tra, nơi có đa phần là người đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, nhưng những năm qua, Trường Tiểu học R'Lơm lại trở thành một điểm sáng với tỉ lệ huy động trẻ đến trường đạt 100% và chất lượng, nền nếp học sinh luôn được ngành Giáo dục huyện Đơn Dương đánh giá cao.

Cảnh quan sư phạm được trường quan tâm đầu tư, tạo môi trường học tập thoải mái cho học sinh

Cảnh quan sư phạm được trường quan tâm đầu tư, tạo môi trường học tập thoải mái cho học sinh

Do đặc điểm về mặt địa lý, dân cư, R’Lơm không tránh khỏi những khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính, phạm vi địa bàn phân bổ và việc đi lại của học sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đơn Dương, thì Trường Tiểu học R’Lơm “là một trong số những trường tiêu biểu trên địa bàn huyện có tỉ lệ trẻ đến lớp và nền nếp học sinh được đánh giá cao”.

Theo tìm hiểu, công tác tổ chức vận động phụ huynh sáng tạo, phương pháp giảng dạy tạo cảm hứng giữ chân trẻ, và tình thương yêu - trách nhiệm với tương lai của học sinh là ba nhân tố tạo nên thành tích này. Cụ thể, để vận động, thuyết phục, giúp phụ huynh học sinh hiểu rõ về tầm quan trọng của việc học, từ đó, quan tâm, hỗ trợ các em đến trường, thời gian qua, Trường R’Lơm đã vận dụng sáng tạo giữa yếu tố dẫn dắt của ban lãnh đạo trường, của tập thể giáo viên với uy tín và sự gần gũi của các già làng, trưởng bản, trưởng thôn và những người có tiếng nói, thân tín trong cộng đồng.

Thầy Nguyễn Trường Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học R’Lơm cho biết: Từ nhiều năm trước, trường đã thành lập các tổ vận động, tuyên truyền, thu hút học sinh đến trường. Thành viên của tổ bao gồm giáo viên trường và các già làng, trưởng thôn, cùng những người có tiếng nói trong cộng đồng người Churu, Cill, K’Ho. Cứ đến dịp hè, các tổ này sẽ đến từng nhà để vận động, tuyên truyền phụ huynh đôn đốc, tạo điều kiện cho con em đến lớp. Nếu có trường hợp có ý định bỏ học giữa chừng, tổ sẽ tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp với đoàn thể, ban, ngành, địa phương giúp đỡ và khuyên nhủ gia đình.

Trên khía cạnh tạo cảm hứng học tập, duy trì sĩ số và giữ chân học sinh, trường tập trung vào cải thiện chất lượng giảng dạy, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận kiến thức thông qua các buổi ngoại khóa, dạy kỹ năng mềm, phòng đọc sách, làm việc nhóm, dạy học theo chuyên mục, lớp tự quản...

Trường tập trung phát triển các chuyên đề nhằm đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Đặc biệt chú trọng phát hiện và bồi dưỡng năng lực, năng khiếu học sinh. Lồng ghép các phương pháp mới như “Bàn tay nặn bột”, tiết học thư viện, thảo luận nhóm. Để các em mạnh dạn phát biểu ý kiến, tranh luận học hỏi từ bạn bè, trường bố trí nhiều buổi học kỹ năng mềm, kỹ năng sống… Ngoài ra, để tạo sự đồng đều trong chất lượng giáo dục, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, có thể theo kịp các bạn từ các buổi phụ đạo do trường tổ chức.

Về cơ sở vật chất, theo thầy Lưu, những năm qua, trường luôn quan tâm đến việc xây dựng “cảnh quan sư phạm”, với các phòng học nhiều màu sắc, cây xanh, hoa cỏ, sân bóng đá và khu vui chơi cho học sinh với diện tích hơn 600 m2. Cùng với đó, trường luôn cố gắng trang bị các thiết bị, dụng cụ học tập cần thiết cho việc dạy và học. Cơ sở vật chất phải tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp thu kiến thức và để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, cũng vì thế mà đến nay nhiều học sinh thích đến trường hơn ở nhà.

Nhưng nền tảng cho những giải pháp trên vẫn là tình thương yêu và trách nhiệm với tương lai của học sinh từ chính bản thân của các thầy cô giáo và tập thể Trường R’Lơm. “Nuôi dưỡng tâm hồn, trao truyền kiến thức và mài dũa kỹ năng cho học sinh luôn được các thầy cô tâm niệm là sứ mệnh nghề nghiệp, là trách nhiệm cao cả” - thầy Lưu nói.

Với mỗi tiết học, thầy cô giáo luôn đảm bảo các em nắm vững được kiến thức. Các tiết học đảm bảo vừa phải, phù hợp với năng lực, hài hòa với nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Bài giảng không những giúp nhóm học sinh khá, giỏi phát triển mà còn giúp các em yếu bắt kịp tiến độ, không bị bỏ lại phía sau quá xa. Song song với kiến thức giáo khoa, thầy cô cũng chú trọng nhắc nhở các em về việc vệ sinh cá nhân, thói quen sinh hoạt, hành vi xã hội, ứng xử với người thân, bạn bè. Cùng với đó là những kỹ năng mềm về giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm... Nhờ vậy, mỗi ngày đến trường là một lần các em được sống trong bầu không khí ấm áp, thương yêu và tận tình của các thầy, cô giáo. Nhờ đó, mỗi ngày từng thế hệ học sinh ở Trường Tiểu học R’Lơm càng trưởng thành hơn, từ thái độ học tập cho đến giữ gìn nền nếp, tôn trọng và lễ phép với thầy cô giáo.

Tuy nhiên, trường cũng tự nhìn nhận những mặt hạn chế cần cải thiện và những khó khăn cần giải pháp thực hiện. Để trường có thể tự tin đi tiếp và khẳng định mình trong nhiều năm học tới, theo thầy Lưu thì “trường sẽ tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các phương pháp giáo dục mới, công nghệ thông tin, cải thiện thành tích trong các hội thi; đặc biệt, tăng cường đầu tư cải thiện chất lượng đào tạo ngoại ngữ và tin học”.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202206/diem-sang-ti-le-huy-dong-tre-den-lop-o-mot-truong-vung-xa-3121924/