Điểm sáng trong giải ngân đầu tư công

Với sự sâu sát trong chỉ đạo và điều hành, bám thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban Dân dụng) là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện giải ngân. Với tỷ lệ đạt trên 50%, Ban đã trở thành điểm sáng trong công tác giải ngân của tỉnh.

Đường dẫn cầu Bến Rừng do Ban làm chủ đầu tư, đã cơ bản hoàn thành thi công, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 7-2024.

Đường dẫn cầu Bến Rừng do Ban làm chủ đầu tư, đã cơ bản hoàn thành thi công, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 7-2024.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Ban Dân dụng sau điều chỉnh là 1.178 tỷ đồng để thực hiện gần 20 dự án cả đầu tư mới và chuyển tiếp. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như Đường ven sông đoạn nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338; đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (km6+700) đến đường tỉnh 338; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc và đầu tư dự án đường dẫn cầu Bến Rừng; Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh... Đây đều là các dự án động lực, trọng điểm của tỉnh, mang ý nghĩa kết nối liên vùng, thúc đẩy KT-XH khu vực phát triển, thu hút đầu tư về địa bàn.

Tuy nhiên, đây cũng là các dự án thi công trong điều kiện hết sức khó khăn khi diện mặt bằng rộng, công tác GPMB phức tạp, liên quan đến nhiều hộ dân và đất rừng cần chuyển đổi. Địa chất khu vực do chủ yếu là đầm lầy, vì thế cả 4 dự án đều nằm trên nền đất yếu, trong khi nguồn nguyên vật liệu khu vực khan hiếm, nhất là đất và cát đắp. Điều này khiến các dự án thi công đã kéo dài nhiều năm qua, việc bù đắp khối lượng chuyển tiếp do các nhà thầu tạm ứng kéo dài, tác động rất lớn đến kế hoạch giải ngân của Ban.

Trong bối cảnh đó, xác định vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực cho tăng trưởng kinh tế, bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công… ngay từ đầu năm, Ban Dân dụng đã thống nhất kiện toàn lại tổ công tác chỉ đạo giải ngân do trực tiếp đồng chí Giám đốc Ban làm tổ trưởng. Cùng với đó, thực hiện phân bổ vốn ngay từ đầu năm; rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Nút giao Đầm Nhà Mạc tái khởi động thi công trở lại sau khi những khó khăn đã được tháo gỡ.

Nút giao Đầm Nhà Mạc tái khởi động thi công trở lại sau khi những khó khăn đã được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, cho biết: Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Vì thế, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo Ban đã thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng, thanh quyết toán vốn; thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng quá hạn, tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án...

Hết 6 tháng đầu năm 2024, cả 4 dự án do Ban làm chủ đầu tư đều có khối lượng giải ngân đảm bảo kế hoạch, thực hiện giải ngân được 616/1.178 tỷ đồng đạt 52,33% kế hoạch vốn đầu tư công được giao sau khi điều chỉnh (đạt 60,2% so với kế hoạch bố trí đầu năm). Tỷ lệ này đang cao hơn mức bình quân của cả nước và tỉnh, đảm bảo mục tiêu hết 6 tháng năm 2024 thực hiện giải ngân đạt 50%.

Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của cả năm, Ban tiếp tục phát huy hết vai trò của các thành viên tổ công tác thúc đẩy giải ngân; yêu cầu thành viên tổ công tác thường xuyên bám sát hiện trường thi công các dự án được phân công theo dõi, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, thực hiện chế độ luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật để đảm nhận vai trò theo dõi, phụ trách, giám sát dự án; chủ động điều hòa vốn giữa các dự án; tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định; kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản...

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/159889/diem-sang-trong-giai-ngan-dau-tu-cong